Tại Đại học Phú Xuân, Hướng dẫn viên du lịch luôn là chuyên ngành được nhiều Tân sinh viên chọn lựa. Trở thành những Đại sứ Văn hoá mang những nét đẹp văn hoá, lịch sử của cảnh quan, di tích, di sản của một địa danh nào đó đến du khách hẳn là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ. Vậy làm thế nào để trở thành một Hướng dẫn viên Du lịch giỏi? Hãy cùng Đại học Phú Xuân tìm câu trả lời thông qua mô hình ASK dưới đây.

A – Attitude (Thái độ).

Chuyên nghiệp từ sự đúng giờ.

Một đoàn Du khách chẳng thể chờ một Hướng dẫn viên trễ giờ. Tuyệt đối không sai giờ hẹn trước vì điều này tạo ra ấn tượng xấu về bạn với du khách. Trễ giờ chỉ chứng tỏ rằng bạn đang không hề nghiêm túc trong công việc này, đó là sự thiếu chuyên nghiệp và gây mất điểm với khách hàng. Trong khi nghề dịch vụ, khách hàng phải là “thượng đế”. Khi làm mất lòng “thượng đế” thì công ty du lịch đó sẽ chẳng thể phát triển.

Quản trị cảm xúc là kĩ năng hàng đầu.

Như đã biết, Hướng dẫn viên Du lịch luôn “đầu tắt mặt tối”. Đây là nghề phải “làm dâu trăm họ” vậy nên bạn sẽ không thể trở thành Hướng dẫn viên nếu bạn nóng tính. Hướng dẫn viên du lịch cũng là một nghề trong ngành dịch vụ. Vì thế, bạn luôn phải trong tâm thế vui vẻ, cởi mở, thân thiện để phục vụ du khách. Trong tour du lịch, chắc hẳn sẽ có nhiều tình huống, sự cố xấu xảy ra và người Hướng dẫn viên Du lịch phải luôn giữ một thái độ bình tĩnh, lịch sự và tôn trọng du khách. Chỉ có như thế thì du khách mới có thể thoải mái, yên tâm đồng hành cùng bạn trong suốt chuyến đi.

S – Skill (Kĩ năng)

Hướng dẫn viên du lịch phải trở thành “Bậc thầy giao tiếp”.

Làm Hướng dẫn viên, bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng giao tiếp qua các tour du lịch. Dĩ nhiên, vốn tiếng Anh của bạn cũng được cải thiện và nâng cao hơn. Ngoài ra, làm hướng dẫn viên du lịch còn giúp bạn trở nên nhanh nhẹn, năng động. Nó giúp bạn rèn luyện đức tính kiên trì và tự tin giải quyết vấn đề.

Với đặc thù nghề nghiệp luôn phải tiếp xúc với rất nhiều người, cả trong và ngoài nước. Để có được kỹ năng giao tiếp tốt, bạn cần luyện tập để giọng nói truyền cảm, biểu cảm gương mặt đa dạng. Đây là dấu ấn cá nhân riêng biệt du khách sẽ nhớ về bạn sau mỗi chuyến đi. Hãy luyện cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Ngoài lời nói truyền cảm, hãy sử dụng thêm cử chỉ, nét mặt, tay chân cho phù hợp. Như thế, du khách sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.

Sinh viên PXU trong một buổi học thực tế về tác phong, nghiệp vụ Hướng dẫn viên Du lịch

Phải biết “kể chuyện”.

Truyền tải thông tin là nhiệm vụ quan trọng nhất của Hướng dẫn viên Du lịch. Một Hướng dẫn viên giỏi cần phải nắm rõ các nguyên tắc thuyết trình và tạo cảm hứng cho Du khách. Để làm được điều đó, bài thuyết minh của bạn phải truyền cảm, hấp dẫn. Nếu bạn chỉ đơn giản thuyết trình lại thông tin về địa danh bằng giọng như ru ngủ với nội dung nhàm chán thì du khách sẽ không hề thích thú lắng nghe. Hãy trở thành một người kể chuyện thu hút. Hướng dẫn viên cần liên tưởng, so sánh các sự kiện, địa danh, nhân vật với nhau. Từ đó tạo ra câu chuyện của riêng mình, thay vì “trả bài” theo cách truyền thống.

K – Knowledge (Về kiến thức)

Hướng dẫn viên Du lịch phải biến mình thành “Bách Khoa toàn thư”.

Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi, bạn cần nắm vững kiến thức chuyên môn bao gồm cách tổ chức tour du lịch, ứng xử với khách hàng và một số nghiệp vụ khác như thủ tục thông hành, hộ chiếu, đặt vé tàu, vé máy bay… Ngoài ra, nghề nghiệp này còn đòi hỏi khối lượng kiến thức khổng lồ về địa lý, văn hóa, lịch sử. Họ cần am hiểu pháp luật, phong tục vùng miền để cảnh báo và ngăn chặn hành vi trái phép của du khách. Vì vậy hướng dẫn viên du lịch như một “cuốn bách khoa toàn thư di động”. Họ không cần biết quá sâu nhưng cần biết rộng để giải đáp cho du khách.

Sinh viên PXU đến thực tế tại Doanh nghiệp Du lịch trên địa bàn.

Hướng dẫn viên du lịch không đưa tin sai lệch.

Những thông tin mà hướng dẫn viên truyền đạt đến du khách phải tuyệt đối chính xác. Đưa tin sai lệch làm cho du khách hiểu sai, gây nhầm lẫn về địa danh, lịch sử. Việc đó còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Việc đưa tin sai lệch, đặc biệt về lịch sử, chính trị gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bạn có thể bị phạt tiền hoặc vướng vào tội bạo động chính trị, gây mất ổn định xã hội.

Sinh viên PXU tham gia trải nghiệm và học hỏi từ các Tour du lịch địa phương.

Hướng dẫn viên du lịch là nghề có tỷ lệ đào thải vô cùng lớn cùng với các đòi hỏi khắt khe, đây là nghề luôn phải chịu áp lực công việc. Sự khắt khe của nghề này đòi hỏi các hướng dẫn viên phải thật khéo léo, tận tâm và tự hoàn thiện bản thân. Thông qua triết lí đào tạo dựa trên mô hình ASK, Đại học Phú Xuân đã trở thành môi trường học tập đáng tin cậy được các “Hướng dẫn viên Du lịch tương lai” gửi gắm trên con đường chắp cánh ước mơ của mình.

Xem thêm


> Vai trò của tiếng Anh với sinh viên ngành Du lịch.

> Học Du lịch ở Phú Xuân có gì vui?