Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Kế toán luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực, và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa. Tuy vậy, nghề kế toán vẫn nằm trong danh sách nghề được sinh viên lựa chọn học do lương cao và tương lai có khả năng tìm được việc làm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Thừa số lượng, thiếu chất lượng
Theo báo cáo của Vietnamworks thống kê, Kế toán là một trong những ngành cần nguồn nhu cầu nhân lực lớn, chỉ sau Công nghệ thông tin và Hành chính thư ký. Mặc dù mỗi năm có hàng nghìn cử nhân kế toán tốt nghiệp, nhưng nguồn nhân lực này lại không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, thành ra “thừa số lượng, thiếu chất lượng”. Nguyên nhân chính do doanh nghiệp có xu hướng tuyển kế toán đã có kinh nghiệm nhiều năm và nắm chắc kiến thức về luật thuế dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc rất khó. Thực tế cho thấy, những sinh viên tốt nghiệp từ các trường được trang bị rất tốt về lý thuyết và nguyên tắc hạch toán kế toán nhưng lại không được thực hành nhiều nên kỹ năng làm việc còn nhiều hạn chế.
Công việc của kế toán viên không chỉ đơn thuần là hạch toán đúng với quy định của chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán mà còn phải tuân thủ đúng các luật thuế và các luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên đây là những kiến thức sinh viên mới ra trường lại nắm chưa thật chắc cũng chưa có kinh nghiệm để xử lý sao cho có lợi nhất cho phía doanh nghiệp.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Xuân – Kế toán trưởng Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên Huế, “Để có được nhân viên ưng ý, hầu hết các doanh nghiệp đều phải bỏ ra rất nhiều chi phí và thời gian để đào tạo lại. Điều này đặt ra bài toán làm sao để có thể nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sinh viên ngành Kế toán ngay khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường” – Bà Hoàng Thị Thanh Xuân chia sẻ tại “Hội thảo đổi mới và phát triển chương trình đào tạo” của Trường Đại học Phú Xuân diễn ra ngày 15/6/2018 vừa qua.
Nâng cao chất lượng của các cử nhân ngành Kế toán
Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, một số trường đại học hiện nay đã áp dụng những chương trình đào tạo đổi mới, nhằm trang bị cho các sinh viên ngành Kế toán những kiến thức, thái độ, kỹ năng cần thiết để có thể làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Tại một số trường như Đại học Phú Xuân, chương trình đào tạo có ít nhất 35% thời lượng thực hành, đảm bảo sinh viên được trực tiếp tham gia vào các dự án kế toán, kiểm toán với giảng viên là các chuyên gia hàng đầu đến từ doanh nghiệp. Đặc biệt ở học kỳ 8, sinh viên sẽ được tham gia thực tập tại doanh nghiệp – gọi là học kì OJT (On the job training). Giai đoạn này giúp sinh viên có cơ hội học tập qua môi trường làm việc thực tế, ứng dụng các kiến thức đã học trong công việc, tích lũy kinh nghiệm làm việc. Việc trải nghiệm và bắt tay vào các dự án kế toán, kiểm toán ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sẽ giúp sinh viên ngành Kế toán không bỡ ngỡ khi ra trường.
Sau khi tốt nghiệp, với những kiến thức và hành trang đã thu nhận được, sinh viên ngành Kế toán có cơ hội đảm nhiệm các vị trí cụ thể với mức lương hấp dẫn: Kế toán tổng hợp, Kế toán bán hàng, Kế toán thuế, Kế toán công nợ, Kế toán kho, Kiểm toán viên, Kiểm soát nội bộ, Nhân viên giao dịch ngân hàng, Nhân viên quản lý dự án, Thủ quỹ, Chuyên viên tư vấn tài chính, Nhân viên môi giới chứng khoán…Đặc biệt, các cử nhân Kế toán có ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội tuyệt vời để thực tập và làm việc ở nước ngoài do sự phát triển cũng như tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Kế toán – kiểm toán của Việt Nam trong những năm gần đây.