Mặc dù có không ít nhân viên đang làm việc và hoạt động ở trong ngành Du lịch, nhưng không phải tất cả mọi người đều đạt được thành công và có những vị trí tương xứng với khả năng, điều đó tùy thuộc khá nhiều vào những kỹ năng và tố chất của mỗi người. Vậy thì tố chất nào cần có để theo học Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành?
1. Khả năng giao tiếp và xử lý tình huống
Nghề Hướng dẫn viên du lịch là một trong những nghề yêu cầu phải có khả năng giao tiếp tốt. Bởi vì phần lớn thời gian, người Hướng dẫn viên phải giải thích và cung cấp thông tin cho du khách tại các điểm du lịch. Không những thế, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh, người Hướng dẫn viên phải biết cách giao tiếp và trò chuyện với du khách, có một mối quan hệ tốt với nhân viên làm việc tại các điểm du lịch.
Do đó, đây được xem là kỹ năng bắt buộc phải có nếu bạn muốn theo đuổi nghề Hướng dẫn viên du lịch. Không chỉ phải nói nhiều, nói liên tục và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hình thức khác nhau, người Hướng dẫn viên còn phải biết tự tạo điểm nhấn cho riêng mình, tạo ra sự hứng khởi và thích thú từ người nghe, tránh gây cảm giác nhàm chán cho du khách, đặc biệt là phải luôn giữ được thái độ niềm nở, vui vẻ, thân thiện và gần gũi.
Ngoài ra, nghề Hướng dẫn viên du lịch cũng thường xuyên gặp phải nhiều sự cố bất ngờ trong quá trình dẫn tours, những yêu cầu, khó khăn của du khách buộc bạn phải đáp ứng. Vì thế Hướng dẫn viên du lịch cần có khả năng ứng biến nhanh, biết cách xử lý vấn đề, đủ tinh tế và nhạy bén để dự đoán được những tình huống có thể xảy ra, đồng thời phải giữ được sự bình tĩnh và tâm lý tốt để có thể giải quyết sự việc một cách hợp lý nhất.
Tuy nhiên, những kỹ năng này bạn có thể tự rèn luyện và rút kinh nghiệm cho bản thân qua một quá trình học hỏi và làm việc. Do đó, ngay từ khi còn ngồi ở trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên học Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành có thể tham gia vào các câu lạc bộ hoặc tìm kiếm các công việc làm thêm để nâng cao khả năng giao tiếp và xử lý tình huống của bản thân.
2. Khả năng tổ chức và làm việc nhóm
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành không phải công việc của một cá nhân, làm việc độc lập mà là sự kết hợp của cả một tập thể, cùng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng nên một tours du lịch thành công. Vì thế, dù là ở vị trí của một Hướng dẫn viên du lịch hay là một nhân viên quản lý Hướng dẫn viên, bạn cũng cần phải thích nghi với môi trường làm việc tập thể, tôn trọng ý kiến của đối phương, phối hợp cùng nhau để hoàn thành công việc.
Đồng thời, nghề Hướng dẫn viên du lịch còn đòi hỏi người hướng dẫn phải biết cách tổ chức, sắp xếp các hoạt động trong suốt chuyến đi, tạo không khí vui tươi, thoải mái cho du khách. Vì vậy kỹ năng tổ chức và làm việc nhóm cũng là một yếu tố quan trọng đối với các nhân viên làm việc trong nghề này.
3. Năng động, chuyên nghiệp
Không chỉ riêng đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, đa số tất cả các ngành nghề hiện nay, mỗi cá nhân đều cần rèn luyện tính chuyên nghiệp và nghiêm túc với công việc của mình. Là một Hướng dẫn viên du lịch, bạn phải đảm bảo cung cấp chính xác thông tin cho du khách, không được mang đến những thông tin sai lệch, đặc biệt là các vấn đề vô cùng nhạy cảm như vi phạm chính trị, làm mất sự ổn định trật tự xã hội,… Hơn thế nữa, người Hướng dẫn viên phải đảm bảo chính xác về thời gian, không được trễ giờ hay trễ hẹn với các du khách. Điều này sẽ tạo ấn tượng xấu cho du khách về sự thiếu chuyên nghiệp và nghiêm túc của người Hướng dẫn viên.
Bên cạnh đó, nhân viên làm trong ngành Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành cần phải nắm vững các điều luật khác nhau, những quy định, yêu cầu tại các điểm thăm quan để hướng dẫn tường tận cho du khách không vi phạm pháp luật hay những quy định của địa phương. Đồng thời, nhân viên du lịch không được lợi dụng lòng tin, sự bỡ ngỡ của du khách để ăn chặn, trục lợi cho bản thân. Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của không chỉ hướng dẫn viên, công ty du lịch đó mà còn tác động đến cả nền du lịch của một địa phương, đất nước.
Nắm được những yêu cầu cơ bản trên đây, sinh viên tốt nghiệp từ ngành Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành có thể tìm được cho mình những cơ hội việc làm tốt hơn và đứng vững trong thời buổi tỉ lệ thất nghiệp đang ngày một gia tăng. Hơn thế nữa, với các bạn sinh viên còn đang theo học hay những thí sinh có ý định lựa chọn theo đuổi ngành Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, bạn có thể thường xuyên luyện tập, tự tìm hiểu thêm những kỹ năng mới , nâng cao và hoàn thiện khả năng của bản thân, đó cũng là cách để tạo dựng thành công cho mình trong tương lai.