Từ một học sinh THPT bước chân vào giảng đường Đại học, không ít bạn rất bỡ ngỡ và lo lắng, đặc biệt các bạn sống xa nhà lại càng vất vả hơn nhiều. Cuộc sống sinh viên sẽ bắt đầu một cuộc hành trình mới với cuộc sống tự lập, tự khám phá bản thân, chuẩn bị những nền tảng kiến thức và kỹ năng sống cho tương lai.
Tất nhiên, sinh viên nào cũng sẽ trải qua những điều này, để thích ứng với môi trường mới đều cần có thời gian thích nghi miễn là sau cùng chúng ta có cuộc sống thoải mái hơn trong môi trường cao đẳng – đại học. Nhưng, hành trình này sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu sinh viên chuẩn bị tốt cả về tinh thần và kĩ năng để đối mặt với những vấn đề thường xuyên mà đa phần tân sinh viên gặp phải.
Dưới đây là một số vấn đề sinh viên nên sẵn sàng đối phó:
1. Điều chỉnh cuộc sống mới
Năm đầu tiên luôn luôn khó khăn với mỗi sinh viên bởi sẽ có một vài thay đổi trong cuộc sống cũng như học tập. Thậm chí đôi khi bạn sẽ cảm thấy những “cú sốc văn hóa” vì sự khác nhau giữa trung học và cao đẳng – đại học. Ngoài ra, sinh viên xa nhà còn phải đối mặt nhiều khó khăn, chẳng hạn việc tìm cho mình một chỗ ở thích hợp thật sự không dễ dàng. Bạn phải xem xét các yếu tố như: khoảng cách, mức giá thuê, cơ sở vật chất, bạn cùng phòng, lối sống tập thể, v..v… Tuy nhiên, đừng nên quá lo lắng về điều này. Chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với những thay đổi này.
2. Nỗi nhớ nhà
Với hầu hết sinh viên, đây là lần đầu tiên các bạn sống xa nhà trong một khoảng thời gian dài. Bởi vậy nỗi nhớ nhà có thể là chướng ngại vật sinh viên cần vượt qua. Tuy nhiên, hiện nay với các phương tiện truyền thông hiện đại như facebook, viber, Zalo… giúp các sinh viên có thể liên lạc, gặp mặt các thành viên trong gia đình khi có mạng internet. Bởi thế, đây cũng không phải khó khăn quá lớn với sinh viên.
3. Tìm bạn mới
Bước chân vào một môi trường mới với những sinh viên đến từ mọi miền đất nước, bạn cảm thấy rất khó để có thể kết bạn? Sự thật hoàn toàn không phải vậy, bạn có thể tìm kiếm cho mình những người bạn mới thông qua các lớp học, các CLB, hoạt động phong trào của trường… Và đừng bao giờ giữ suy nghĩ “tình bạn đại học không bền như thời trung học”. Thực tế tình bạn không phân cấp trung học, đại học, quan trọng là thái độ và mức độ chân thành của mỗi người với tình bạn như thế nào!
4. Ngủ quên trong chiến thắng
Nhiều sinh viên năm nhất đã từng nghĩ rằng đại học là xả hơi sau chuỗi ngày ôn thi vất vả. Thế rồi, năm nhất nhiều bạn “ngủ quên trong chiến thắng”, dành thời gian để chơi và ngủ nghỉ. Lại thêm anh chị bảo “học đại học nhàn lắm” nên cứ vậy yên tâm mà “xả hơi”. Năm nhất cứ thế trôi qua, lúc nhận ra và muốn quay trở lại thì không biết bắt đầu từ đâu. Hậu quả là điểm số thấp, bản thân thiếu kỹ năng, thiếu trải nghiệm và quan trọng nhất là mất định hướng.
5. Quản lý tiền – chi tiêu cá nhân
Vấn đề “đầu tiên” mà sinh viên gặp phải chính là tiền. Đi đâu cũng lo giữ tiền cho kĩ, mất tiền coi như “sống không được, mà chết cũng chẳng xong”. Rồi cả việc cân đo đong đếm chi tiêu trong tháng. Lần đầu cầm nhiều tiền như thế, cứ thiếu gì thì cứ mua đại, không tính toán gì hết vậy nên không ít bạn phải chịu cảnh đầu tháng “ăn xả láng”, cuối tháng thì mì tôm cũng không có để ăn.
6. Quản lý thời gian
Khoảng thời gian đầu đại học, hầu như các sinh viên đều tốn quá nhiều thời gian vào việc tìm hiểu những điều mới mẻ hay tham gia vào một vài CLB nào đó. Hơn nữa, cuộc sống tự do, không có bố mẹ quản lý, nên việc vui chơi, chat chít cùng bạn bè thường quên hết thời gian. Điều này nếu diễn ra lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và sức khỏe của bạn. Vậy nên, hãy sắp xếp thời gian phù hợp cho những hoạt động trường, lớp và cá nhân. Quản lý thời gian một cách khoa học và hợp lý sẽ giúp bạn cân bằng được giữa việc học và những sinh hoạt cá nhân, hoạt động ngoại khóa. Khi bạn có một kế hoạch vui chơi nào đó chẳng hạn, hãy dành thời gian cụ thể để hoàn thành việc học trước, tránh ôm đồm quá nhiều thứ một lúc. Việc này sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và làm chủ được những công việc của mình!
7. Những cú sốc tâm lý
Sinh viên năm nhất phải đối mặt với nhiều “cú sốc” khi môi trường sống thay đổi và áp lực kinh tế phát sinh. Tâm lý căng thẳng, chán nản và thất vọng ùa về.
Sự thay đổi môi trường sống cũng là một vấn đề khá lớn. Đâu phải ở đâu cũng được như ở nhà? Khi ở trọ, đa số các bạn ở ghép hoặc ở KTX. Một phòng gồm nhiều bạn ở nhiều vùng miền khác nhau sẽ khó để sống hòa thuận, rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh làm bạn cảm giác bực mình, chán nản. Để đủ khả năng chi trả học phí đại học, nhiều sinh viên phải kiếm việc làm thêm. Tuy nhiên, điều này gây cản trở việc học. Thời gian cho việc học và những hoạt động ngoại khóa ngày càng thu hẹp và trở nên khó khăn. Nhiều sinh viên không thể sắp xếp thời gian học tập và làm việc một cách hợp lý sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hơn nữa, nếu không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, sinh viên dễ bị ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe, thể chất và tinh thần.
Trên đây là những vấn đề mà mỗi tân sinh viên nên lưu tâm để khắc phục mọi hoàn cảnh để đạt được kết quả học tập cũng như một tương lai tươi sáng.
Xem thêm
>> 10 trải nghiệm thời sinh viên không nên bỏ lỡ
>> Đi học xa nhà-những nỗi khổ chỉ có sinh viên mới hiểu
>> Tuyển sinh đại học năm 2020
>> Tuyển sinh đợt 1 năm 2020 -dành cho học sinh tốt nghiệp THPT