Bài viết mang tên “Thầy tôi – Tấm gương sáng ngời tài đức” của Cô Nguyễn Thị Ngọc Cẩm gửi về cho chương trình viết tri ân “CHƯA BAO GIỜ TÔI QUÊN” nhân ngày 20/11.

Về Thầy tôi – Thầy Bửu Ý

Thầy Bửu Ý – nhà giáo, dịch giả tiếng Pháp nổi tiếng, nhà nghiên cứu văn hóa Huế có uy tín, một nhân cách trí thức khả kính trong giới trí thức văn nghệ sĩ Huế xưa nay. Là một trí thức hoàng tộc Triều Nguyễn thông minh và uyên bác – trước 1975, Thầy giáo Bửu Ý là giảng viên các trường thuộc Viện Đại học Huế, Viện Đại học Sài Gòn và Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau 1975, Thầy là giảng viên, Trưởng khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế và nghỉ hưu từ trường ĐH Ngoại ngữ. Thầy đã để lại trong lòng đồng nghiệp hình ảnh của một nhân cách khả ái và trong lòng sinh viên nhiều thế hệ không chỉ ở những công trình dịch thuật đồ sộ về văn học, văn hóa Pháp, nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa văn chương Việt Nam được dư luận trí thức đánh giá cao mà còn là một thầy giáo tâm huyết, hết lòng thương yêu sinh viên…

Học trò của Thầy

Chỉ cần nhắc đến tên Thầy thì bất kể ai đã được học với Thầy dù chỉ một giờ trên lớp hay được nói chuyện cùng Thầy đều công nhận đây là một Người Thầy mẫu mực và đáng kính.

Tôi là một trong số những người may mắn được học với Thầy nhiều môn ở Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là hai môn: Văn học Pháp và Dịch thuật tiếng Pháp. Trong mỗi giờ học của Thầy, tôi cố ghi sâu từng lời, từng ý; đôi khi tôi tưởng chừng không sao hiểu hết nổi những kiến thức thầy giảng vì nó quá nhiều và quá hay, không sao lược bỏ được. Thầy có phương pháp truyền đạt và hướng dẫn chúng tôi rất độc đáo.

Ở Thầy, tôi tìm thấy nguồn cảm hứng cho việc học, việc đọc cũng như nghiên cứu. Thầy là người truyền niềm tin và quyết tâm cho tôi theo đuổi nghề sư phạm sau này, mặc dù trước đó tôi đã từng do dự. Thầy không bao giờ rầy la hay mắng mỏ chúng tôi, dù đôi khi chúng tôi không hoàn thành bài tập thầy giao về nhà. Những bài luyện dịch thầy ra rất khó nên chúng tôi đành chấp nhận mọi hình phạt để Thầy dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn thêm. Thầy là người rất tâm lý: Ở lớp, Thầy luôn yêu cầu chúng tôi học cách suy nghĩ, tìm tòi những thuật ngữ dịch và nghệ thuật dịch, hay các ngôn từ nói và viết khác nhau thật khó nhưng đến những kỳ thi thì thầy thường yêu cầu các bài tập thật nhẹ nhàng nhưng độc đáo, đòi hỏi sự thông minh nhanh nhạy của học trò.

Truyền lửa

Thầy là người rất nhân từ và độ lượng. Thầy có nụ cười thật hiền hậu, ấm áp và bao dung kể cả khi Thầy không vui vào những lúc sinh viên chúng tôi không làm đúng ý Thầy. Mỗi khi chúng tôi học tốt lại được Thầy khen ngợi hết lời. Bài giảng và những lời giáo huấn của Thầy luôn là kim chỉ nam cho chúng tôi bước vào đời thêm vững chãi. Thầy như là người cha của tất cả chúng tôi.

Đến bây giờ, khi tôi là một giảng viên đứng trên bục giảng nhiều năm nhưng hình ảnh Thầy luôn soi sáng bước đường tôi đi. Từ những ngày đầu tiên được học thầy, tôi đã học tập tác phong, điệu bộ, cử chỉ của Thầy khi đứng trên bục giảng cho đến ngày nay. Hơn 30 năm trôi qua, tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn của Thầy từ phong cách diễn đạt trong các bài giảng trên lớp đến cách ứng xử, đạo đức và trách nhiệm của một nhà giáo.

Cảm ơn Thầy đã dẫn đường cho con. Cám ơn Thầy đã dạy cho con biết yêu thương. Dù con biết sẽ không bao giờ đáp trả được công ơn Thầy nhưng con xin được mãi mãi “Cảm ơn” Thầy. Đến giờ, con vẫn nhớ những lời dạy của Thầy:

Hãy biết ơn ai đó đã làm bạn tổn thương, vì nhờ họ bạn trở nên cứng rắn…
Hãy biết ơn ai đó mắng mỏ, trách móc bạn, vì bạn có thêm cơ hội để sửa mình…
Hãy biết ơn mỗi lần bạn vấp ngã, vì nhờ đó bạn vững bước hơn trên đường đời…
Hãy biết ơn khi mọi cánh cửa đều đóng sập lại trước mặt bạn, vì khi đó bạn sẽ biết ai thực sự là người luôn ở bên bạn…
Đừng chỉ cảm nhận, hãy bày tỏ lòng biết ơn cuộc sống mỗi ngày…

Con nhớ nhất câu nói của Thầy năm xưa: “Thầy phải ra thầy, thì trò mới có thể ra trò”. Lời dạy của Thầy làm con hiểu được một điều đó là giữa thầy cô và học sinh, sinh viên phải có một khoảng cách. Nhưng khoảng cách đó không phải là xa lạ, lạnh lùng, mà đó chính là sự tôn trọng đúng mực của học trò đối với thầy cô.

Và Thầy đã truyền cho con một trái tim đầy nhiệt huyết để con sống với nghề mà con yêu thích hôm nay.

Học trò năm xưa của Thầy – Th.S. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm

Chương trình “CHƯA BAO GIỜ TÔI QUÊN” là không gian nơi quý Thầy Cô được trở về là những người học trò năm nào, sống lại những ký ức thời áo trắng và nói lời tri ân đến những nhà giáo trong tim mình.

Xem thêm

> Kể chuyện Trồng Cây – Trồng “Người” tại PXU 

> Ngành Ngôn ngữ Anh: Tâm sự của một giảng viên

> Tiếp tục sứ mệnh của Đại học Ứng dụng tại Việt Nam