Trong bối cảnh văn hóa đọc đứng trước nhiều thách thức, việc phát triển thư viện mở tại các trường đại học không chỉ tạo thói quen đọc sách, nghiên cứu tài liệu cho sinh viên mà còn góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng. Đó cũng là hướng đi mà Trường Đại học Phú Xuân đang triển khai.
Ngày 26/4 sắp tới, Trường Đại học Phú Xuân sẽ khai trương thư viện mở số 2 (tại 28 Nguyễn Tri Phương), tạo thêm một địa chỉ phục vụ những người đam mê nghiên cứu, đọc sách (cùng với thư viện mở của trường tại 176 Trần Phú). Khác với mô hình thư viện truyền thống thường thấy, thư viện mở Trường Đại học Phú Xuân là môi trường đọc, học tập, nghiên cứu, trao đổi, giao lưu tri thức và văn hoá dành cho sinh viên, học sinh và cả người dân tại TP. Huế và khu vực lân cận. Ngoài việc đọc sách, tra cứu các nguồn tin điện tử thông qua mạng Internet, thư viện mở còn là nơi tổ chức các hội thảo, seminar miễn phí, các cuộc gặp gỡ, giao lưu,… Hơn thế, đây cũng là nơi cho và nhận sách, sẵn sàng tiếp nhận các nguồn sách do độc giả tặng để phục vụ cho cộng đồng và tặng sách cho những độc giả có nhu cầu.
Điều đặc biệt, thư viện miễn phí dành cho mọi đối tượng. Người đọc không cần thẻ, chứng minh Nhân dân hay loại giấy tờ khác. Điều này đã phần nào gạt bỏ những “Barie” về chi phí thẻ, giá sách cao, thủ tục thư viện – những nguyên nhân mà một số bạn đọc chỉ ra, giải thích cho lý do ít đọc sách hay không đến thư viện.
Rõ ràng, trong bối cảnh văn hóa đọc đứng trước nhiều thách thức, việc cộng đồng xã hội chung tay tạo dựng môi trường, thói quen đọc sách cho các đối tượng, nhất là giới trẻ là việc làm đầy ý nghĩa. Khảo sát của các chuyên gia trong nước cho thấy trung bình người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách mỗi năm – một con số khá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Thực trạng hiện nay nhiều người không xem sách là một nhu cầu thiết yếu của đời sống và lệ thuộc vào Internet, google… Ngoài nguyên nhân do hạn chế về thời gian; gia đình chưa giáo dục việc đọc sách và hiện có nhiều hình thức thay thế như phim ảnh, game… thì công tác thư viện tại một số nơi chưa được coi trọng cũng được nhiều chuyên gia nhắc đến.
Văn hóa đọc hiện nay đang thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. Vấn đề này không còn là “chuyện của độc giả” ở Mỹ và các nước phương Tây mà nó trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. Chắn chắn, câu chuyện “thu hút bạn đọc” của các thư viện và ngành chức năng phải được đem ra “mổ xẻ” nhiều nguyên nhân, song vai trò của trường học cũng rất cần thiết, bởi vì hệ thống giáo dục là nền tảng xây dựng thói quen đọc, giáo dục xây dựng văn hóa đọc lành mạnh. Đã có không ít người “trăn trở” về văn hóa đọc cho rằng thói quen đọc, kỹ năng đọc của độc giả chưa được định hướng một cách cụ thể, bài bản. Việc lựa chọn chương trình giáo dục, phương thức đọc còn mang tính tự phát chưa có hệ thống từ các cấp học như: tiểu học, trung học, đại học…
Phân tích sâu về văn hóa đọc có lẽ cần rất nhiều ý kiến các chuyên gia và đây là câu chuyện không dễ làm trong một sớm một chiều, song có thể thấy, ngoài những giải pháp mang tính định hướng từ gia đình, thầy cô, vai trò của hệ thống xuất bản, ngành chức năng…thì môi trường đọc cũng là một trong những giải pháp quan trọng tạo hứng thú cho người đọc và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại cho các thư viện và hỗ trợ xây dựng thói quen đọc tại thư viện, siêu thị sách; phát triển loại hình chuyển phát nhanh, mang sách đến với vùng sâu vùng xa góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng.
Hiện nay, cả xã hội đều đang trăn trở với câu chuyện “văn hóa đọc” và cũng đề ra rất nhiều giải pháp. Trong năm 2019, tại các địa phương, trường học và ngay cấp quốc gia cũng tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, cho thấy sự quyết tâm về việc phát triển văn hóa đọc, khắc phục “bài toán” giới trẻ có xu hướng “lười đọc”… Trong bối cảnh đó, việc tạo thêm những thư viện mở như cách Trường Đại học Phú Xuân đang làm sẽ tạo môi trường, góp thêm động lực để bạn đọc tìm đến thư viện, qua đó tạo ra thói quen đọc sách và lan tỏa phong trào này đến người thân, bạn bè.
M.Tâm