Cuộc sống ngày càng đô thị hóa, các nhà cao tầng mọc lên san sát khắp nơi, đường phố cao tốc ngày càng hiện đại thì tần suất xuất hiện của thế giới thiên nhiên xanh tươi cũng đã giảm đáng kể. Chính vì lẽ đó, những ai yêu mến thiên nhiên đã tìm về nhà vườn – sự kết hợp diệu kỳ giữa cây cối và nhà ở tại mảnh đất cố đô. Đến với Nhà vườn ở Huế, chúng ta sẽ có được những trải nghiệm tươi mới và thanh bình mà không phải nơi đâu cũng có. Nhà vườn vì vậy từ lâu đã trở thành tinh hoa kiến trúc của xứ Huế.

1. Nhà vườn Ngọc Sơn Công chúa (31 Nguyễn Chí Thanh, Phú Hiệp, Tp. Huế)

Nhà vườn nguyên là phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa, hoàng thân, quốc thích được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Cùng với những lăng tẩm, cung điện, đền đài, nhà vườn chính là hồn cốt của xứ kinh kỳ, làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của kinh thành Huế.

Chủ nhân của ngôi nhà là nhà nghiên cứu Phan Thuận An và vợ là bà Nguyễn Thị Sương cho biết: Đây là nhà của Công chúa Ngọc Sơn, con gái của Vua Đồng Khánh. Theo sử sách, khi Công chúa hạ giá, Vua cha đã cấp cho một khu đất để lập phủ. Bà Nguyễn Thị Sương là cháu của Công chúa Ngọc Sơn. Toàn bộ mặt bằng khuôn viên được xây dựng theo nguyên tắc phong thủy của phương Đông, với các yếu tố: tiền án (bình phong), minh đường (hồ nước), và ở thế long chầu hổ phục với dạng kiến trúc nhà rường truyền thống tạo cho ngôi nhà nét trang nghiêm, cổ kính.

Đặc biệt tại ngôi nhà này vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của gia đình Công chúa Ngọc Sơn như sắc phong, đồ chơi đổ xâm hường, chén bát của Trung Quốc được sản xuất cách đây khoảng 500 năm. Một ngôi nhà cổ kính, một khu vườn rộng lớn, nhiều cây trái xum xuê, với mùi hương sen thơm ngát sẽ đem lại cho du khách nhiều ấn tượng đẹp, man mác chút hoài cổ, gợi nhớ về kinh đô vàng son thời quá vãng xa xăm…

2. Nhà vườn An Hiên (58 Nguyễn Phúc Nguyên- Kim Long, tp. Huế)

Những bông hoa sim dại tím biếc xen lẫn giữa những bông hồng ngoại rực rỡ quý phái, thoang thoảng mùi hoa nhài quyến rũ, nhành phong lan kiêu sa đang vẫy gió. Cây măng cụt trĩu quả, cây hồng xiêm Tiên Điền được trồng cách đây trên 70 năm, do ông Nghè Mai, chắt nội của đại thi hào Nguyễn Du mang từ quê hương vào tặng chủ nhân, đang đơm trái… Một khu vườn rộng 500 m² với đầy đủ cây trái khắp 3 miền hội tụ… Đó là ngôi nhà vườn nổi tiếng – vườn An Hiên (ở thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP Huế), từng là nguồn cảm hứng sáng tác của không ít nhà văn khi đến du lịch Huế.

Khu vườn này nguyên là phủ của Công chúa thứ 18 của Vua Dục Đức, xây dựng trước năm 1895. Sau khi nhường lại cho vài chủ nhân khác, đến người sở hữu cuối cùng là Tuần vũ Nguyễn Đình Chi, có vợ là bà Đào Thị Xuân Yến – người đã cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp của nữ sinh Đồng Khánh, sau đó là Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh, từng là Đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

3. Nhà vườn Lạc Tịnh Viên (65 Phan Đình Phùng, Vĩnh Ninh, Tp. Huế)

Tọa lạc ở đường Phan Đình Phùng, bên dòng sông An Cựu, ngoài việc tiếp xúc với chủ nhân mang đậm cốt cách Huế, cấu trúc của cụm nhà rường này giúp du khách hiểu hơn về sự nho nhã, thanh tao, hiếu học của người Huế.

Trong khu vườn có 4 ngôi nhà liền nhau. Mỗi ngôi nhà có một tên gọi riêng, mang ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với quan hệ thực tại của chủ nhân: nhà Nhân hậu – nơi có rất nhiều chậu hoa, cây cảnh, cũng là nơi chủ nhân tiếp khách, thưởng ngoạn trăng, hoa và phát chẩn cho người nghèo; nhà Vấn trai – nơi làm việc đồng thời để nghỉ ngơi của chủ nhân; nhà Di tâm thích thể đường – nơi sinh hoạt, học hành của con cháu và một ngôi nhà dành riêng để thờ tự.

Ngoài ra, Huế còn có rất nhiều nhà vườn nổi tiếng như nhà vườn Ý Thảo, Tịnh Gia Viên, cụm nhà vườn Phú Mộng – Kim Long… Những ngôi nhà vườn trên không chỉ là điểm tham quan lý tưởng, sẽ làm say đắm du khách mỗi lần đến Huế mà còn là hồn cốt xứ kinh kỳ để người ta hoài niệm về một thời ngai vàng, bệ ngọc chưa xa.

Xem thêm

Món ăn đặc sản của Huế

Các món ăn Cung Đình Huế

Ẩm thực đường phố ở Huế

Đến Huế- nên đi Du lịch những địa điểm nào ?

Công ty Du lịch tại Huế

Ngành học Du Lịch tại  Huế

Trường đào tạo ngành Du lịch tại Huế