Ngày 23-11 vừa qua, Trường Đại học Phú Xuân đã tổ chức Seminar khoa học về chủ đề “Nghiên cứu khoa học xã hội tại Việt Nam: Triển vọng hội nhập quốc tế”. Câu hỏi được đặt ra trong buổi seminar là Nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam có thực sự đang tụt hậu?
Tại buổi Seminar, TS. Vương Quân Hoàng – trưởng nhóm nghiên cứu Mạng lưới các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (NVSSH) đã công bố các dữ liệu được ông và các cộng sự đã dành ra gần 2 năm để thu thập dữ liệu từ các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín được Quỹ Phát triển và Khoa học Công nghệ quốc gia NAFOSTED công nhận (bao gồm các ấn phẩm thuộc danh mục Scopus và một số ấn phẩm khác).
Kết quả tổng kết cho thấy, trong gần 11 năm từ 2008 đến 11/2018, theo dữ liệu mà nhóm NVSSH ghi nhận được, đã có tổng cộng 1.070 tác giả người Việt (trong và ngoài nước), công bố tổng cộng 1937 bài báo tại 1019 tạp chí/sách/kỷ yếu hội thảo quốc tế.
Như vậy tính trung bình, 1 tác giả trong vòng 11 năm qua công bố gần 2 bài trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín, tương đương chưa đến 0.2 bài/năm.
“Đây là thông số phản ánh năng suất rất thấp nếu so với các đại học trong khu vực, chứ chưa nói đến trên thế giới; nơi một nhà khoa học trung bình công bố 2-3 bài/năm là điều bình thường” – TS. Vương Quân Hoàng cho biết.
“Mặc dù vậy, nếu nhìn kỹ vào dữ liệu thì chúng ta vẫn thấy một số điểm sáng đáng lưu ý” – TS. Hoàng cho biết.
Cụ thể, theo thống kê, có đến 40.88% công bố quốc tế hoàn toàn do người Việt tự làm, đặc biệt 26.46% tác giả đã ít nhất một lần có công bố “solo” (một mình).
“Đây là những thông số khá bất ngờ đối với tôi vì nó cho thấy đã có một tỷ lệ nhất định các nhà khoa học Việt có khả năng tự lực hội nhập quốc tế, song phẳng với thế giới” – TS. Trần Viết Nhân Hào, nhà nghiên cứu mới nhận giải thưởng cho nhà khoa học trẻ 2018 của Hội Vật lý lý thuyết, một khách mời tham dự seminar cho biết.
Đặc biệt, theo TS. Hoàng, riêng nhóm 10 tác giả hàng đầu đã đóng góp lên tới hơn 400 bài trong danh sách thống kê; tương đương khoảng hơn 40 bài/11 năm hay khoảng 4 bài/năm.
“Đây là những người thực tế đã đạt trình độ quốc tế, và cũng đẳng cấp với các nhà nghiên cứu ở lĩnh vực khoa hoc tự nhiên, lĩnh vực vốn được xem là có mức độ hội nhập quốc tế cao hơn ở nước ta” – nhà vật lý trẻ Trần Viết Nhân Hào nhận xét.
Trong buổi Seminar, TS. Phạm Hiệp – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, Trường Đại học Phú Xuân đã có bài trình bày có tên gọi: “Từ nhà khóa học trẻ đến một nhà nghiên cứu lành nghề: cần chuẩn bị gì và như thế nào?”. Ông cho biết, hội nhập quốc tế trong nghiên cứu là điều bắt buộc đối với giảng viên đại học ngày nay, nhất là các trường có định hướng nghiên cứu.
Và để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc chính là công bố quốc tế, nhà khoa học cần phải lưu ý đến cáchoạt động bổ trợ như: tương tác cộng đồng, tìm kiếm quỹ tài trợ và xây dựng nhóm nghiên cứu.
Cũng theo TS. Hiệp, trong giai đoạn hiện nay, nhà khoa học trẻ có rất nhiều cơ hội để hội nhập quốc tế mà không nhất thiết phải đi học toàn thời gian ở nước ngoài. “Điều này một phần nhờ vào sự phát triển của các khóa học miễn phí trên các cổng thông tin MOOCs; phần khác nhờ vào ngày càng có nhiều nhà khọc đạt trình độ quốc tế đã quyết định trở về lập nghiệp ở Việt Nam như thống kê của TS. Vương Quân Hoàng cho biết” – TS. Phạm Hiệp nhận định.