Ngoại ngữ ngày một quan trọng trong thời đại toàn cầu, chính vì thế, biên dịch viên đã trở thành một xu hướng nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Hãy cùng Đại học Phú Xuân tìm hiểu về nghề Biên dịch viên này nhé.
Liệu thu nhập của Biên dịch viên có khủng?
Thu nhập của biên dịch viên chuyên nghiệp thuộc hàng “khủng”. Khủng đến mức nào tùy thuộc “thương hiệu” của biên dịch viên, khối lượng công việc hoàn thành và chất lượng bản dịch (đôi khi cả thời gian dịch). Nếu chịu khó, chu đáo, có trách nhiệm đồng thời đáp ứng được những yếu tố trên thì mỗi tháng bạn có thể kiếm từ 15-20 triệu và có thể hơn thế.
Tuy thu nhập cao là thế nhưng áp lực công việc dường như luôn theo sát trong mọi hoàn cảnh. Những sai sót sẽ để lại hậu quả rất lớn, nhất là đối với phương tiện thông tin đại chúng, do vậy, việc sử dụng ngôn từ phải cực kỳ cẩn trọng. Đây là “nghề làm dâu trăm họ”, chỉ cần dịch kém một lần thì những lần kế tiếp sẽ không ai dùng mình nữa.
Những yếu tố nào tác động tới thu nhập của biên dịch viên?
1. Mức độ cạnh tranh:
Càng nhiều biên dịch viên có nghĩa là khách hàng càng có nhiều lựa chọn, vây nên hãy cố gắng rèn luyện kĩ năng thật tốt và sẵn sàng thử sức mình với những cơ hội mới để tích luỹ kinh nghiệm và xây dựng thương hiệu cá nhân. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham khảo mức giá thị trường, một số trường hợp bạn nhận được công việc dịch thuật vì bạn đã đưa ra mức giá thấp hơn so với thị trường.
2. Chuyên ngành dịch:
Tài liệu càng mang tính chuyên ngành, càng phức tạp thì chi phí dịch sẽ càng cao. Tuy nhiên, để đáp ứng được chất lượng mà khách hàng đưa ra, các công ty dịch thuật sẽ phải tìm những người thực sự có kinh nghiệm và có hiểu biết sâu về lĩnh vực đó. Vậy nên lời khuyên cho nhiều dịch giả trẻ đó là hãy tìm cho mình một hướng đi nhất định, không nên làm “loãng” kĩ năng của mình bằng việc cố gắng dịch tất cả tài liệu và tất cả chuyên ngành.
3. Khối lượng công việc:
Đây là nhân tố chính xác định mức lương bạn nhận được. Vì công việc này được trả theo từng trang thậm chí từng từ bạn dịch, bạn hoàn toàn có thể ước đoán trước chi phí bạn sẽ nhận được sau khi kết thúc dự án. Càng chăm chỉ bạn càng được trả nhiều hơn.
Học ngành nào để trở thành Biên dịch viên?
1. Ngành Ngôn ngữ học:
Những ngành Ngôn ngữ học đang thu hút nhiều bạn trẻ nhất là ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc. Không cần phải bàn cãi về độ phổ biến của những ngôn ngữ này, đặc biệt là với tiếng Anh – ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới.
Sinh viên theo học ngành này sẽ không chỉ được trang bị những kiến thức nền tảng về ngôn ngữ, văn hóa mà còn học về kinh tế, tài chính, quan hệ quốc tế tổng quan. Đảm bảo sau khi ra trường, sinh viên có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết và áp dụng những kỹ năng được học vào một số công việc đặc thù cần trình độ ngoại ngữ.
2. Ngành Quốc tế học:
Với đặc thù là ngành nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề quốc tế. Sinh viên ngành này cũng cần học các kiến thức đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và nắm vững kiến thức về quan hệ quốc tế, toàn cầu hóa, môi trường và phát triển…
Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của ngành Quốc tế học khá cao, nếu bạn không thông thạo ngoại ngữ thì rất khó để tham khảo tài liệu nước ngoài về các vấn đề quốc tế. Cơ hội việc làm của ngành cũng khá rộng mở, bạn có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau với kiến thức và vốn tiếng Anh sẵn có, trong đó có lĩnh vực biên dịch.
3. Ngành Sư phạm Ngôn ngữ:
Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo ngành sư phạm để ra trường chuyên giảng dạy về ngôn ngữ như sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Trung Quốc, sư phạm Pháp… chương trình đào tạo của những ngành này đều liên quan mật thiết đến ngôn ngữ, giống như một ngành về ngôn ngữ, khác biệt duy nhất là kỹ năng sư phạm sẽ được lồng ghép vào quá trình học.
Một giáo viên dạy ngoại ngữ thì chắc chắn sẽ rất am hiểu về ngoại ngữ đó, do đó nhiều sinh viên ra trường đã chọn công việc mà mình yêu thích là trở thành thông dịch viên thay vì đi giảng dạy.
Tìm việc Biên dịch ở đâu?
Tùy theo năng lực và sở thích, bạn có thể tìm cho mình vị trí biên dịch ở một nhà xuất bản, tạp chí hay một cơ quan chuyên về dịch thuật. Bạn cũng có thể trở thành nhân sự chuyên chuyển ngữ tài liệu trực thuộc một tổ chức. Nếu bạn muốn hoạt động tự do, bạn có thể trở làm một freelancer trong lĩnh vực này. Tự tìm nguồn khách hàng, thỏa thuận các điều khoản và làm việc vào bất kì thời gian nào mà bạn thích. Ngoài ra, dịch thuật cũng được tận dụng bởi những người muốn kiếm thêm ở nhà sau thời gian làm việc cố định.
Hơn tất cả, tự mình chủ động rèn luyện và sẵn sàng thử thách bản thân để tích luỹ kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà Trường là rất quan trọng. Hãy chủ động nhé các bạn!
Xem thêm
> Học ngành Ngôn ngữ Anh thi khối nào và được đào tạo ở đâu tại Huế?