1. Thời đại của công nghệ
Kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi toàn diện cuộc sống xã hội. Chưa bao giờ nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong chuyển đổi và phát triển công nghệ mới lại lớn như hiện nay. Công nghệ đang hàng ngày thay đổi từng góc nhỏ của cuộc sống và không ai có thể đứng ngoài sự thay đổi này. Robot thông minh đang ngày càng phổ biến và thay thế, hỗ trợ con người trong hàng loạt các công việc thường ngày. Xe tự hành, nhà máy tự vận hành, nhà thông minh với Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển rầm rộ. Ở quy mô xã hội, dữ liệu lớn (Big Data) và học máy (Machine Learning) đang có những ảnh hưởng to lớn và phát triển nhanh chưa từng thấy. Con người ngày đang mang theo nhiều thiết bị công nghệ, thậm chí là gắn các thiết bị công nghệ – sinh học lên cơ thể.
Một thời đại công nghệ mới, công nghệ toàn diện chính thức đã bắt đầu.
2. Thời đại của sự tốc độ thay đổi
Ngày nay khi chất lượng đã được đảm bảo thì tốc độ phát triển mới là yếu tố quyết định. Mọi tổ chức, doanh nghiệp đều cần sự phát triển ở tốc độ nhanh chóng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Con người ngày nay cũng vậy, khả năng thích nghi và hoà nhập với công nghệ, với sự thay đổi nhanh đóng đóng vai trò quyết định của thành công. Hàng loạt công việc mới được phát triển bên cạnh hàng loạt những công việc cũ mất đi khiến hàng triệu, triệu người lao động phải chuyển đổi việc làm hoặc chịu cảnh thất nghiệp. Một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực lao động gây ra nhiều khủng hoảng và cũng tạo ra nhiều cơ hội mới. Trong đó, những tổ chức, cá nhân nào có khả năng thích ứng cao, có tốc độ nắm bắt cơ hội mới tốt là những người dành thắng lợi.
3. Thời đại của văn minh số
Thế hệ công dân số bản sinh (Native Digital) là những công dân khi sinh đã sử dụng ngay các thiết bị công nghệ mà không phải học hoặc thích ứng. Đối với các công dân số bản sinh, tiếp cận và sử dụng công nghệ là phương thức tự nhiên và cách suy nghĩ tư duy cũng sẽ theo phương thức số một cách tự nhiên.
Khi những công dân số chiếm đa số và các giao tiếp trên nền tảng số phát triển thì một văn hoá mới sẽ hình thành dựa trên nền tảng công nghệ. Trong nền văn hoá mới đó, mối quan hệ người – người không còn bị chi phối chính bởi yếu tố không gian mà sẽ chi phối chính bởi các yếu tố mang tính bản ngã như văn hoá, xu thế chính trị, tôn giáo, giới tính hay bởi sở thích cá nhân, hoạt động cộng đồng và nghề nghiệp.
Đó chính là sự ra đời của một nền văn minh toàn cầu mới, văn minh số.
Để không lạc hậu và bị bỏ rơi trong nền văn minh mới của nhân loại, mỗi cá nhân cần được đào tạo và phát triển những kỹ năng mới cho nền văn minh số. Từ đó hình thành nên những đòi hỏi mới cho giáo dục nói riêng và giáo dục đại học nói chung.
1. Đại học của đại chúng, hướng tới đại học của phổ cập
Theo nghiên cứu của GS. Martin Trow của ĐH California, Barkeley, nếu đạt tỷ lệ nhập học đại học 15–50% thì sẽ là nền giáo dục đại học đại chúng, nếu lượng sinh viên nhập học > 50% thì sẽ là nền giáo dục đại học phổ cập. Tuy nhiên, tất cả cán bộ quản lý và giảng viên hiện đều đang được đào tạo trong thời kỳ giáo dục đại học tinh hoa ( <15% sinh viên nhập học đại học). Hiện nay, Việt Nam đang tiến gần đến mức của nền giáo dục đại học phổ cập. Bản chất của nền giáo dục đại học phổ cập rất khác với giáo dục đại học đại chúng và khác xa giáo dục đại học tinh hoa. Chính vì vậy, để đón đầu môi trường giáo dục đại học mới là đại học phổ cập, các trường cần chuẩn bị và xây dựng quy tắc tổ chức, nguồn nhân lực sẵn sàng cho việc nền giáo dục đại học phổ cập sắp diễn ra.
Đặc trưng lớn nhất của giáo dục đại học đại chúng và phổ cập là khả năng cởi mở và chuyển đối của các trường đại học. Trường đại học cần có khả năng chuyển đổi tín chỉ linh hoạt, tổ chức đào tạo nhiều phương thức để tạo điều kiện học tập đa dạng của người học. Sinh viên có thể chuyển đổi hình thức học tập như tập trung, trực tuyến hay tích hợp theo thời gian để phù hợp với các mục đích học tập cũng như điều kiện cá nhân. Bên cạnh đó trường đại học cũng cần phải tổ chức đào tạo hợp lý để tiếp nhận những sinh viên đã có kinh nghiệm làm việc, chuyển đổi nghề nghiệp và học tập theo định hướng học tập suốt đời.
Trường Đại học Phú Xuân là trường đại học được xây dựng theo định hướng phù hợp với sự phát triển của phổ cập giáo dục đại học sẽ diễn ra trong thời gian gần.
2. Đại học là nền tảng gắn kết doanh nghiệp, cộng đồng
Sẽ vẫn có một số trường đại học là tháp ngà là nơi tôn vinh những giá trị của nhân loại. Tuy nhiên, đa số các trường đại học cần xác định rõ vị thế của mình trong bối cảnh đại chúng hoá, phổ cập hoá đại học. Trường đại học trong thời đại phổ cập sẽ là các trường có gắn kết chặt chẽ và hữu cơ với doanh nghiệp và cộng đồng để tồn tại và phát triển. Khi đó, các trường đại học ứng dụng không những chỉ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và cộng đồng mà bản thân các trường đại học cũng cần mang tính doanh nghiệp và cộng đồng.
Trường Đại học Phú Xuân là trường đại học ứng dụng và là nền tảng kết nối giữa người học, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Trong đó, trường đại học mang vai trò gắn kết, môi trường, xúc tác để sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp cùng học tập, đào tạo, phát triển dựa trên những bài toán thực tế hàng ngày của doanh nghiệp và xã hội.
3. Đại học của Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức
Khác với các trường đại học định hướng tinh hoa, Trường Đại học Phú Xuân mang sứ mệnh cung ứng toàn diện về về Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức cho người học theo mô hình A.S.K. Để đáp ứng nhu cầu việc làm tương lai thì kiến thức, kỹ năng là chưa đủ mà cần sự quan tâm đồng bộ và nhuần nhuyễn giữa Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức một cách toàn diện cho người học.
Với nhận thức sâu sắc rằng Thái độ là điểm mấu chốt nhưng hiện còn chưa được quan tâm trong việc đào tạo và rèn luyện trong trường đại học, Phú Xuân sẽ đi đầu trong việc đồng hành cùng người học để trau dồi và rèn luyện một tinh thần, thái độ cầu tiến, hiểu được những chuẩn mực đạo đức trong công việc và một tinh thần học hỏi, trách nhiệm, chuyên nghiệp trong môi trường học tập cũng như làm việc sau này.
Bên cạnh đó, các kỹ năng quan trọng của Bộ kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21 cũng sẽ được đào tạo tại nhà trường. Theo như định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy các Kỹ năng của Thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc), kỹ năng của thế kỷ 21 bao gồm 4 nhóm kỹ năng mềm (Soft Skills) chính.
Thứ nhất là nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.
Thứ hai là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.
Thứ ba là nhóm kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc như sự hiểu biết các kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Cuối cùng là kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa.
4. Đại học của văn minh số – năng lực tự học
Trường Đại học Phú Xuân là trường đại học dành cho các công dân số bản sinh, vì vậy việc thích ứng và đào tạo đáp ứng và hoà nhập văn minh số là một trong những yêu cầu bắt buộc. Một trong những đặc tính quan trọng của văn minh số đó là tính linh hoạt và khả năng tự quyết định cá nhân cao, hướng đến việc tôn trọng cá nhân và bản ngã của mỗi người. Mỗi cá nhân trong xã hội sẽ là một thực thể độc lập và có xu hướng kết hợp và giao tiếp với những cá nhân khác trong xã hội dựa trên việc chia sẻ trong công việc, xã hội, sở thích và các quan điểm.
Bên cạnh đó, sự biến động và đòi hỏi tính thích ứng cao yêu cầu người học cần phải có khả năng tự học suốt đời để luôn cập nhật những kiến thức mới, nâng cao vốn sống và nâng cao hiểu biết nhận thức mới về một xã hội đang biến động rất nhanh. Kỹ năng phán đoán và tự học sẽ đi cùng mỗi cá nhân trong suốt thời gian làm việc sau này để đảm bảo khả năng cập nhật công nghệ, kỹ năng nhằm đáp ứng các đòi hỏi xã hội luôn biến động.
1. Phú Xuân – Technopolis
Với quan điểm trường đại học là cầu nối và nền tảng cho nhu cầu của người học, việc làm, xã hội được gặp nhau, Phú Xuân xây dựng khuôn viên và cách vận hành trường theo mô hình Technopolis. Có nghĩa là, trong cùng một khuôn viên đại học, sẽ luôn có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Trường đại học Phú Xuân sẽ đưa các doanh nghiệp vào hoạt động trong khuôn viên trường, đưa chuyên gia, quản lý, doanh chủ từ các doanh nghiệp sang chia sẻ và giảng dạy tại trường. Đồng thời, sinh viên cũng được đưa sang doanh nghiệp để rèn luyện, thực hành cả Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức thực tế trong môi trường doanh nghiệp.
Một Technopolis thực thụ đó là sự gắn kết cộng sinh hữu cơ giữa trường đại học, doanh nghiệp và nhu cầu thực tế của xã hội.
2. Learning Office – Learning Project
Khuôn viên giảng dạy của Trường Đại học Phú Xuân cũng sẽ được tổ chức theo hình thức tổ chức của doanh nghiệp. Bài trí lớp học và cách tổ chức kiến thức, kỹ năng cũng giống như hoạt động tại các doanh nghiệp. Các lớp học có cấu trúc mở với việc học làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò giám sát đánh giá. Các lớp học đó được gọi là Learning Office.
Việc học tập được thực thi qua phương pháp học tập qua dự án (Project – Based Learning), việc học tập chủ yếu dựa trên giao việc, kiểm tra và đánh giá. Sinh viên được thực hành dựa trên các bài học thực tế đã được mô hình hoá chuẩn gọi là Learning Project.
Learning Office – Learning Project là hai nền tảng quan trọng đồng hành cùng người học trong suốt thời gian học tập tại trường.
3. Giảng viên, giảng viên doanh nhân
Giảng viên là cầu nối, mắt xích quan trọng trong việc thực thi nhiệm vụ đào tạo. Giảng viên tại ĐH Phú Xuân sẽ là những huấn luyện viên, những người đồng hành giúp cho sinh viên thành công. Bên cạnh những giảng viên cơ hữu chính thức, Phú Xuân còn xây dựng và có sự hỗ trợ, hợp tác với các giảng viên đến từ doanh nghiệp. Họ là các chuyên gia, nhà quản lý hoặc doanh chủ sẽ chia sẻ với sinh viên những kinh nghiệm, tầm nhìn và khuyến khích, nâng cao động lực cho người học. Nhờ sự hỗ trợ của các giảng viên doanh nhân, sinh viên sẽ nắm bắt tốt hơn thực tế công việc và cuộc sống, đồng thời có cơ hội tham gia trực tiếp vào các công việc thực tế ngay từ khi còn đang ở trên ghế nhà trường.
4. Nền tảng chương trình chuẩn, mở, linh hoạt, kết nối doanh nghiệp tối đa
Chương trình đào tạo của Trường ĐH Phú Xuân là sự kết hợp của nhiều mục tiêu giáo dục và đào tạo. Thứ nhất chương trình cần có sự chuyên nghiệp và chuẩn. Chương trình sẽ được xây dựng trên khung CDIO và các chương trình chuẩn nghề nghiệp hay kiểm định như ABET, BTEC,… để đảm bảo chất lượng đầu ra cho người học.
Thứ hai, chương trình cần đảm bảo tính mở và linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu của xu thế giáo dục đại học đại chúng và phổ cập. Chương trình được cấu trúc theo tín chỉ một cách triệt để hướng tới việc mỗi cá nhân có thể có chương trình học phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, trường luôn sẵn sàng nhận các sinh viên từ các trường cao đẳng, đại học khác chuyển tiếp sang Phú Xuân để hoàn thành khoá học, chương trình đào tạo theo như mong muốn.
Thứ ba, chương trình cần đảm bảo tính kết nối doanh nghiệp cao. Các chuẩn mực nghề nghiệp cần được nhanh chóng đưa vào đào tạo trong trường. Chương trình đào tạo doanh nghiệp – On the Job Training (OJT) được đồng thiết kế và tín chỉ hoá nhằm ghi nhận tối đa những học phần đến từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chứng chỉ nghề nghiệp, chứng chỉ doanh nghiệp cũng được công nhận để chuyển đổi thành tín chỉ trong trường đại học.
Trường Đại học Phú Xuân là trường đại học tiên phong trong đổi mới giáo dục đại học, đổi mới mô hình xây dựng, đào tạo tài năng với thái độ chuyên nghiệp, kỹ năng tốt và kiến thức đầy đủ để có việc làm với thu nhập cao, khởi nghiệp thành công nhằm tạo ra những giá trị tốt đẹp cho người học và xã hội.
Trường Đại học Phú Xuân là trường đại học tiên phong về đổi mới sáng tạo dựa trên tinh thần doanh nghiệp và hành động chuyên nghiệp.
Trở thành mô hình trường đại học mới gắn kết doanh nghiệp – Phú Xuân Technopolis
Đồng hành với doanh nghiệp, địa phương trong việc phát triển ngành nghề phù hợp với phát triển Kinh tế – Xã hội
Đảm bảo chất lượng đào tạo bằng tỷ lệ sinh viên có việc làm cao
Ứng dụng công nghệ trong đào tạo, từ đó linh hoạt trong mô hình đào tạo.
“Thái độ – Kỹ năng – Kiến thức” là giá trị văn hóa cốt lõi để đưa ĐH Phú Xuân phát triển và xác lập vị trí trường đại học hàng đầu trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Chúng ta đang trong một giai đoạn vô cùng quan trọng của lịch sử phát triển văn minh nhân loại, giai đoạn chuyển đổi và hình thành nền văn minh số và toàn cầu hoá với những công dân số bản sinh vốn sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển. Xã hội, tổ chức xã hội, nền kinh tế, doanh nghiệp, việc làm và những chuẩn mực đạo đức xã hội cũ đang bị thách thức và nhiều phần không còn phù hợp nhường bước cho một trật tự mới đang dần hình thành.
Với vai trò của một trường đại học đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn, Phú Xuân liệu cần có những hướng phát triển mạnh mẽ, kiên định theo định hướng của một trường đại học của thời đại mới, thời đại văn minh số.