Đó là sự đồng tình cao của các doanh nghiệp và giảng viên một số trường đại học tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khi tham gia “Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo” của Trường Đại học Phú Xuân (PXU), diễn ra trong 2 ngày từ 09-10/10/2018 tại Thành phố Huế.
Sáng ngày 9/10, tại Phòng Learning Office (Cơ sở 2-176 Trần Phú, TP Huế), “Hội thảo thẩm định chương trình đào tạo” của Trường Đại học Phú Xuân đã được khai mạc. Sự kiện nhằm đánh giá, thẩm định chương trình đào tạo đã được cải tiến của 6 ngành CNTT, Kế toán, QTKD, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung và Việt Nam học chuyên ngành Du lịch, tiến tới hoàn thiện, đưa vào áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến, đúng chuẩn quốc tế ngay từ năm học 2018 – 2019. Diễn ra 4 tháng sau “Hội thảo đổi mới và phát triển chương trình đào tạo” (15-16/6/2018), sự kiện hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới toàn diện của Trường.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia là các doanh nghiệp và một số giảng viên đến từ các trường đại học trên địa bàn tỉnh TTH. Về phía nhà trường, có sự hiện diện của Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng – TS. Đàm Quang Minh, cùng tất cả cán bộ, giảng viên.
Phát biểu khai mạc, TS. Đàm Quang Minh khẳng định: “Thách thức lớn nhất của Trường là làm sao đào tạo được sinh viên làm việc được, đúng chuyên môn đào tạo, theo nhu cầu của doanh nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường, chứ không chỉ đến khi tốt nghiệp. Nền tảng thành công phải xuất phát từ một chương trình đào tạo tiên tiến, cấu trúc khoa học trên những nguồn tài liệu đúng chuẩn quốc tế, kết hợp với việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong môi trường cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, tiên tiến. Vì thế, Trường Đại học Phú Xuân mong muốn các thành viên Hội đồng thẩm định, các cán bộ, giảng viên rà soát, đánh giá, phân tích toàn diện về các chương trình đào tạo“.
Tiếp đó, đại diện “Ban Dự án phát triển chương trình” đã trình bày về “Phương pháp giảng dạy PXU”, nhấn mạnh ở việc lấy người học làm trung tâm, tái cấu trúc nội dung giảng dạy nhằm tăng cơ hội lĩnh hội học tập của sinh viên trên một lộ trình đào tạo chặt chẽ, với mục tiêu đào tạo hướng đến trục thái độ – kỹ năng – kiến thức trong đó nhấn mạnh khả năng tự học suốt đời của sinh viên. Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại với các trang thiết bị học tập tiên tiến; thay đổi phương pháp giảng dạy thì đổi mới nội dung chương trình đào tạo góp phần hiện thực hóa mục tiêu cơ bản trên. Vì thế đây chính là định hướng giúp các thành viên Hội đồng thẩm định khung chương trình đào tạo của cả 6 ngành.
Tiếp sau phần khai mạc là phiên làm việc của Hội đồng thẩm định ngành CNTT. PGS,TS.Trương Công Tuấn – Phó Khoa CNTT Trường Đại học Khoa học Huế nhận xét: “Cấu trúc chương trình rất tốt, đặc biệt phù hợp đào tạo CNTT trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay”. Còn theo ông Lương Quang Thư – Giám đốc Công ty TNHH MTV phần mềm TechLife: “chương trình đào tạo của Trường không chỉ coi trọng đào tạo tri thức mà còn chú trọng chuẩn đào tạo thái độ, đạo đức kinh doanh, nhân cách con người. Đây là hướng đi mà doanh nghiệp cần”. Ông Thư cũng nhấn mạnh việc tăng thời lượng thực hành, thực tập doanh nghiệp ngay từ năm thứ hai là cần thiết, góp phần định hình con đường, xu hướng phát triển của sinh viên từ sớm.
Trong hai ngày 9-10/9, các hội đồng tiếp tục làm việc. Cụ thể, chiều 9/10 là 3 Hội đồng của 3 ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và ngành Việt Nam học chuyên ngành Du lịch; sáng 10/9 là Hội đồng của 2 ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung. Ngay sau phần trình bày của đại diện Ban soạn thảo, chương trình đào tạo của mỗi ngành đã nhận được những ý kiến đóng góp của các Phản biện và thành viên Hội đồng.
Bên cạnh những ưu điểm của mỗi chương trình, các hội đồng đã chỉ ra một số điểm cần bổ sung, sửa chữa trong 6 chương trình khung. TS.Phạm Hùng Hiệp – Chủ tịch Hội đồng thẩm định ngành Quản trị kinh doanh nhấn mạnh: Làm bật ra những điểm khác biệt của thái độ trong Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là cần thiết, thể hiện điểm khác biệt của phương pháp giảng dạy và học tập PXU qua mô hình ASK (Attitude (thái độ) – Skills (Kỹ năng) – Knowledge (Kiến thức). Nhà trường chú trọng thiết kế một chương trình khung cơ bản, nhưng trao quyền tự học cho sinh viên, để sinh viên có quyền tự thiết kế lộ trình học tập, những môn học yêu thích của mình; thậm chí tăng lượng kiến thức tổng hợp, kỹ năng mềm, trải nghiệm của mỗi bạn qua việc tham gia 2-3 học phần tự chọn ở chuyên ngành khác, thậm chí cả trường đại học khác. Trường Đại học Phú Xuân đủ điều kiện để thực hiện điều đó, và sẽ đạt được mục tiêu đào tạo sinh viên học có nghề nghiệp, học có việc làm và học có khả năng tự phát triển suốt đời”
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, các phiên độc lập của Hội thảo kết thúc thành công. Chương trình đào tạo thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu đổi mới phương pháp và nội dung đào tạo của Trường trên nền tảng nhu cầu nhân lực thực tế của các doanh nghiệp” là ý kiến được các hội đồng thẩm định đồng tình cao.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS.Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Không khí cởi mở, trao đổi tích cực, tranh luận thẳng thắn, trực diện vào vấn đề với sự tham gia nhiệt tình của các thành viên hội đồng và đại biểu, giảng viên tại Hội thảo đã giúp ban soạn thảo và nhà trường rà soát và giải quyết nhiều vấn đề cần thiết trong chương trình đào tạo. Thành công của buổi hội thảo sẽ được cụ thể hóa qua chương trình đào tạo tiên tiến, đúng chuẩn quốc tế, được đưa vào áp dụng ngay từ năm học 2018 – 2019″.
Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. “Tri thức phải “mở”, phải được chia sẻ mới là tri thức có giá trị nhất. Trường Đại học Phú Xuân mong muốn là điểm khởi đầu giáo dục tự do, phóng khoáng, giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ không chỉ trong trường mà cả các trường đại học bạn, cũng như người dân lân cận được tiếp xúc, trải nghiệm nhiều tri thức mới. Sự tham gia và đóng góp ý kiến của các chuyên gia hôm nay là bước tiến quan trọng góp phần bảo đảm sự thành công của quá trình đổi mới toàn diện của Trường Đại học Phú Xuân” – TS.Đàm Quang Minh nhấn mạnh.