Sự phát triển của công nghệ trong giáo dục giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, mang lại những trải nghiệm mới, sáng tạo cho cả giáo viên, học sinh, thay đổi cách thức dạy và học theo cách truyền thống.Năm 2018 đánh dấu sự phát triển các xu hướng công nghệ mới của nền giáo dục, khi tiến bộ công nghệ, phương pháp giảng dạy mới và xu hướng ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục (Edtech) xuất hiện.
1. Điện toán đám mây
Điện toán đám mây tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong giáo dục. Học sinh sẽ không còn phải lo lắng khi lỡ tay xóa hay làm mất tài liệu quan trọng. Các bài tiểu luận, nội dung liên quan đến dự án, lịch học, bài tập có thể được chia sẻ dễ dàng hơn và lưu trữ an toàn trên đám mây như Google Documents, Onedrive kết hợp với Office 365. Giáo viên cũng có thể dễ dàng giao bài, kiểm tra tiến độ và chấm bài cho hàng chục học sinh chỉ với một vài cú click chuột.
Nhờ việc lưu trữ dữ liệu một cách tập trung, điện toán đám mây cho phép học sinh và giáo viên tăng phạm vi tiếp cận, chia sẻ thông tin mà không tăng chi phí hoặc thêm áp lực thời gian.
2. Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường
Năm 2018, công nghệ mới sẽ cung cấp cho giáo viên các công cụ để nâng cao việc học tập thông qua thực tế ảo VR và thực tế ảo tăng cường AR.
Theo đó, VR sử dụng thiết bị mô phỏng để tác động lên các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác, nhằm giảm nhận thức người dùng với môi trường thực xung quanh xuống thấp nhất và đưa họ nhập vai vào không gian ảo.
Còn AR tập trung vào việc kết hợp giữa thế giới thực và thông tin ảo. Thông qua các thiết bị như kính thông minh hay điện thoại thông minh, người dùng vẫn nhìn thấy các sự vật của thế giới thực cùng những thông tin kỹ thuật số tương ứng kèm theo.
Số lượng ứng dụng và nền tảng giảng dạy miễn phí được thiết kế cho giáo dục ảo ngày càng phát triển. Phụ kiện VR cũng có mức giá hợp lý hơn để người dùng có thể tiếp cận dễ dàng. VR và AR sẽ sớm chuyển từ thử nghiệm sang phổ biến trong học tập và giảng dạy.
3. STEAM và STEM
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Với học sinh từ cấp học mầm non, tiểu học STEM, STEAM giúp các em trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế thông qua các bộ môn như GIGO, HANS ON,… qua đó các em có những kiến thức từ trải nghiệm rất quan trọng góp phần nâng cao năng lực học tập và phát triển các loại trí thông minh đặc trưng của mình.
Với học sinh cấp 3, việc học theo phương pháp STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức kết hợp với thực hành hay các trò chơi, học sinh sẽ có hứng thú học tập hơn, từ đó, khuyến khích các em có định hướng tốt khi chọn chuyên ngành học đại học.
STEAM được tạo thành từ thuật ngữ “STEM” và “Nghệ thuật – Art”. Giáo dục nghệ thuật giúp phát triển óc sáng tạo, vậy nên đổi mới từ STEM sang STEAM là điều cần thiết cho ngành giáo dục.
4. Học trên thiết bị di động
Ngày nay, nhiều học sinh được trang bị thiết bị di động, nếu biết tận dụng chúng trong học tập sẽ rất hữu ích.
Theo đó, học sinh có thể tải những ứng dụng học tập về điện thoại di động của mình để tự học mọi lúc, mọi nơi; không gian lớp học không giới hạn trong 4 bức tường; nội dung học tập và tương tác giữa giáo viên – học sinh; học sinh – học sinh được thay đổi tích cực. Nhiều hoạt động hợp tác trong các hình thức dạy-học được phát triển, giúp học sinh có có hội trải nghiệm, tiếp nhận kiến thức và kỹ năng thực tế hơn.
Nhiều trang web học trực tuyến cung cấp đầy đủ các nội dung bài học theo chương trình giáo dục hiện hành, ngoài ra còn cung cấp ứng dụng trên nền tảng di động IOS và Android (hocmai, moon, f1school, edumall, unica,…) cung cấp cho người dùng ngân hàng nghìn bài kiểm tra và bài luyện tập. Giao diện dễ sử dụng giúp học viên tiếp cận bài học nhanh chóng và thuận tiện hơn.