Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Thầy Nguyễn Văn Dũng – Thành viên Hội đồng sáng lập Trường, về những ngày đầu thành lập Trường Đại học Phú Xuân.
Giấc mơ Phú Xuân
Xin đừng quên, ba vị “Khai quốc công thần” của Trường Đại học Phú Xuân là anh Nguyễn Đình Ngộ, anh Vương Hồng, và anh Dương Đình Khôi; tôi thuộc loại sau, dù là người thứ tư.
Thuở ấy, mỗi ngày bốn anh em chúng tôi thường họp mặt bàn bạc đủ thứ chuyện. Từ chuyện xin đất làm trường, chuyện mời ai vào Ban Vận động, chuyện cử người đi học tập kinh nghiệm các trường bạn, chuyện lập hồ sơ xin cấp phép thành lập trường…Hào hứng nhất là chuyện sẽ cùng nhau xây dựng cho được một ngôi trường “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Còn như thế nào là ngôi trường cho ra trường, thế nào là thầy cho ra thầy thì chưa ai nói tới. Tôi biết anh Dương Đình Khôi biết, tôi cũng biết, nhưng rồi nghĩ cứ thế đã, chuyện gì cần nói sẽ nói sau. Thế rồi, càng về sau, đặc biệt từ khi có Quyết định thành lập trường (2003); khi có quá nhiều ban bệ, khoa, bộ môn, với nhiều nguồn nhân sự khác nhau, hầu hết là những người cũ… Mọi chuyện trở nên ngoài tầm kiểm soát. Anh Hồng anh Khôi không còn trong Hội đồng Quản trị vì quá tuổi qui định, tôi bị cho ra rìa vì “là người của CIA cài cắm”, còn lại một mình anh Ngộ trở thành thiểu số. Thế là, chẳng ai còn nhắc chi chuyện ngôi trường cho ra trường ấy là loại trường gì, thầy cho ra thầy ấy mà mẫu thầy nào. Trường Đại học Phú Xuân trở thành giống như bao ngôi trường khác, bởi ngoài yếu tố chủ quan còn có thêm yếu tố khách quan.
Không gian Đại học
Ý thức rằng, để trường cho ra trường, Trường Đại học Phú Xuân cần có không gian xứng tầm dành cho một trường đại học. Sau khi tiếp nhận cơ sở 1 – 28 Nguyễn Tri Phương, vốn là Cư xá Li Băng trước đây, anh Vương Hồng, bằng mối quan hệ rộng rãi và tài thuyết khách hiếm có, đã xin về cho Đại học Phú Xuân thêm ba cơ sở nữa: 176 Trần Phú, khu đất phường An Tây, và nguyên một ngọn đồi 100 hecta chỉ cách Huế 5km. Trong đó, “gay go” nhất là cơ sở 176 Trần Phú. Lý do, ngoài Đại học Phú Xuân, còn ba tổ chức khác cũng tích cực vận động: một là Thành phố Huế, hai là Hội Phụ nữ tỉnh, và ba là một xí nghiệp (tên gì tôi không nhớ, chỉ nhớ chuyên sản xuất bao bì).
Quá khó xử. Tỉnh bèn tổ chức một hội nghị với bốn bên, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch – ông Lê Viết Xê. Đại diện bên nào cũng ra sức chứng minh khu đất là quá cần thiết cho tổ chức của họ.
Đến phiên Đại học Phú Xuân, tôi nói khơi khơi, đại loại: “Tôi thấy các anh ở tỉnh, rất nhiều trường hợp, đã qui hoạch không hợp lý. Ví dụ, cơ sở số 1 Lê Lợi, trước đây là trường Lasan Bình Linh. Đó là một địa điểm quá đẹp, quá thơ mộng; nó như là mũi tàu hướng ra sông Hương và sông An Cựu. Sau 1975, một thời là Trường Đảng, tiếp đến là HTX thêu, hiện nay là Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu niên. Nói là Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu niên nhưng kỳ thực đó là nơi ăn chơi, giải trí, cà phê, quán nhậu. Sao không qui hoạch 1 Lê Lợi thành Thư viện Đại học, hay Học viện âm nhạc, hay cơ sở của một trường Đại học? Giờ xin nói đến chuyện khu đất 176 Trần Phú này. Hãy nhớ, đây là một ngọn đồi, là điểm cao duy nhất của thành phố Huế. Từ đây, có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành phố. Có thể nói, đây là đỉnh đầu của một thành phố nay là Di sản Văn hóa Thế giới. Vậy thì, các anh định đặt trên đỉnh đầu của thành phố di sản này cái gì? Một đống tiền ư? Một đống bao bì ư? Sao không đặt lên đó một đống sách. Vâng, chỉ có thể xây lên đây một ngôi trường đại học mới xứng tầm của nó!” Tôi vừa dứt lời thì anh Nguyễn Cương – Phó Chủ tịch TP Huế nói “Thôi thôi, anh Dũng đã nói thế thì Thành phố xin rút lui”. Hai đơn vị kia im lặng như là dấu hiệu cũng xin rút lui. Thế là, Phó Chủ tịch tỉnh kết luận và kết thúc hội nghị. Khu đất gần 1,5 hecta trở thành cơ sở của Trường Đại học Phú Xuân.
Những tấm lòng
Năm rồi, có dịp trò chuyện với một phụ huynh có con trai là môn sinh của tôi. Em tâm sự: “Hồi ấy, năm 2003, em được tuyển vào Trường Đại học Phú Xuân. Em ở tận Quảng Ngãi, nhà em nghèo lắm. Mẹ em chạy vạy khắp nơi mới kiếm được cho em 1.500.000 VNĐ, ra Huế em nộp tiền học hết 1.200.000 VNĐ, còn lại 300.000 VNĐ không đủ trả tiền phòng trọ và ăn uống. Em phải đi phục vụ bán cà phê mỗi tối. Biết em gặp khó khăn, thầy Nguyễn Văn Chiến (Khoa Kinh tế) đã trợ giúp cho em hàng tháng. Tốt nghiệp, em được tuyển làm Chuyên viên cho Viettel. Có lần em về trường, thăm thầy Chiến, và xin được hoàn lại số tiền em đã nợ thầy. Nhưng thầy nói “Chuyện cũ rồi. Với lại chỉ chút tiền nhỏ thôi mà. Hãy coi như đó là món quà thầy tặng cô sinh viên nghèo chăm học và học giỏi”. Tôi lặng người. Những ngày còn làm việc ở Phú Xuân, tôi đã gặp ở đây tuy không nhiều, nhưng có những con người như thế, những tấm lòng như thế. Nếu trường đại học là nơi dạy người, thì rất cần có những con người như thế.
Những ngày đầu khó khăn, bốn anh em đóng cổ phần mỗi người 10 triệu. Mỏi mòn chờ đợi giấy phép, có lúc anh Khôi nản lòng xin rút vốn. Trong lúc anh Vương Hồng động viên cứ tiến. Anh quyết định đem sổ đỏ nhà anh vay nợ ngân hàng. Không biết nếu còn sống cho đến hôm nay, anh sẽ vui hay buồn. Và có một người mà tôi không thể không nhắc, đó là anh Nguyễn Đình Ngộ. Từng làm việc với anh từ những ngày đầu. Càng hiểu anh, tôi càng yêu và kính trọng anh. Đó là mẫu người trong sáng, đạo đức, thanh liêm, chính trực.
Lời kết
Nhân 15 năm kỷ niệm thành lập Trường Đại học Phú Xuân, tôi xin được nhắc lại một chút kỷ niệm vui vui, một chút kỷ niệm bùi ngùi. Thật lòng, tôi muốn gửi đến Ban Giám hiệu mới của Trường Đại học Phú Xuân niềm mong ước của tôi: Mong các bạn xây dựng ngôi trường Phú Xuân mới sao cho là ngôi trường nhân bản, khoa học, hiện đại và khai phóng. Mong các bạn tận dụng quỹ đất của trường sao cho có được một không gian đại học rộng, thoáng, tràn ngập ánh sáng và bóng cây – không gian của trí tuệ và suy tưởng, của tự do và khát vọng.