Nếu với sinh viên, đầu ra việc làm sau khi tốt nghiệp là mối quan tâm lớn nhất thì với trường đại học, cam kết việc làm cũng chính là thước đo của cơ sở đào tạo.
Trong tháng 4/2019, Trường đại học Phú Xuân tổ chức chương trình ký cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên với từng người học. Trong nội dung cam kết, sinh viên tốt nghiệp sẽ được nhà trường giới thiệu, tiếp xúc với doanh nghiệp và tổ chức sử dụng lao động của ngành học với mức lương khởi điểm (khi kết thúc thử việc) từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Đây là hoạt động tưởng chừng thể hiện “trách nhiệm” của các cơ sở đào tạo, song đến nay, có không nhiều trường ĐH làm được.
Thực ra, trong bối cảnh cạnh tranh, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều đã đẩy mạnh hoạt động liên kết doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng. Tuy nhiên, để cam kết việc đảm bảo việc làm cho sinh viên thì là câu chuyện…khó. Lý do cũng nằm ở những câu hỏi mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra khi trao đổi về tình trạng sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại tại Tọa đàm phát triển nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) – truyền thông trình độ cao gắn kết cơ sở giáo dục Đại học – Doanh nghiệp: “Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia cùng với nhà trường để thiết kế sản phẩm chưa? Hay hai đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1 chưa?”.
Thẳng thắn mà nói, với phần đông sinh viên, đích đến của lựa chọn học đại học là tìm một đầu ra công việc phù hợp, đảm bảo thu nhập và đam mê của bản thân. Khi đó, đơn vị đào tạo nào tạo được cơ hội việc làm tốt dĩ nhiên sẽ trở thành một trong những ưu tiên nguyện vọng khi họ đăng ký xét tuyển đại học. Hơn thế, trong đánh giá của xã hội, khi soi chiếu cam kết và thực hiện cam kết đảm bảo việc làm, cơ sở đào tạo sẽ chạm được mốc cao trên thước đo thương hiệu.
Khi thay đổi mô hình mới, với triết lý giáo dục đào tạo gắn liền với việc làm, Trường đại học Phú Xuân hướng đến mục tiêu có từ 95% sinh viên tốt nghiệp sẽ có việc làm theo chuyên môn được đào tạo trong vòng 3 – 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Tất nhiên, người học và xã hội có quyền nghi ngờ về con số này, song với cam kết việc làm mà hiệu trường ký với từng sinh viên, rõ ràng đã giải tỏa phần nào mối lo, khi mà trước đây học hiệu cũ của Trường ĐH Dân lập Phú Xuân được nhiều người đánh giá không cao.
Có thể, minh chứng tốt nhất cho sự cam kết chính là thời điểm sinh viên ra trường. Nhưng cũng có thể, “cái để mắt” của doanh nghiệp ngay lúc các em học cũng đã là tín hiệu cho thấy điều đó. Một tin đáng phấn khởi là, 5 sinh viên của Trường ĐH Phú Xuân (dù chưa tốt nghiệp) đã được nhận thực tập, đào tạo hưởng lương tại Công ty 3S Intersoft. Họ sẽ chính thức làm việc với mức lương tối thiểu 7 triệu/tháng và về Huế để trở thành những cán bộ nòng cốt của công ty. Dự kiến đến hết năm 2019, Công ty 3S và ĐH Phú Xuân sẽ tuyển dụng và đào tạo cho 3S khoảng 100 cán bộ chuyên ngành CNTT theo chương trình Migrate to IT.
Cam kết và thực hiện cam kết là vấn đề cần phải trải qua thêm thời gian nữa để chứng minh sự lâu bền và tất nhiên kết quả bước đầu đó chỉ mà “bằng chứng nhỏ”. Song, với chương trình học của trường đã thay đổi toàn diện và gắn chặt với doanh nghiệp và việc làm, điều đó sẽ là một cân nhắc cho thí sinh lựa chọn khi mà mùa thi THPT Quốc gia 2019 và xét tuyển ĐH, cao đẳng bắt đầu.
Minh Tâm