Đời sống sinh viên rất năng động và cũng nhiều điều mới mẻ. Với thời gian biểu học tập linh động khiến các bạn sinh viên có nhiều khoảng thời gian rỗi. Vậy chúng ta nên sử dụng khoảng thời gian nhàn rỗi đấy như thế nào để khi ra trường rồi sẽ không cảm thấy hụt hẫng vì đã phí hoài nó?
Hãy học tiếng Anh càng sớm càng tốt.
Năm 1 là khoảng thời gian tốt nhất để rèn giũa tiếng Anh cho tốt vì có tiếng Anh chúng ta sẽ tận dụng được rất nhiều cơ hội hay ho hấp dẫn, mở mang đầu óc. Tiếng Anh thực sự rất quan trọng ngay cả là khi đi làm thêm phục vụ, nếu bạn làm phục vụ cho người nước ngoài thì đồng tiền bạn nhận được sẽ khác so với phục vụ cho người Việt.
Điều quan trọng là không có tiếng Anh thì bạn không thể ra trường, rất nhiều sinh viên cứ đợi đến năm 3 năm 4 rồi mới đi học trong khi năm nhất năm 2 rảnh rỗi lại chơi bời chính vì vậy mà họ đã phải ôm hận khi sắp sửa ra trường.
Hãy đi làm thêm.
Công việc làm thêm có thể sẽ khiến bạn vất vả nhưng lại giúp mỗi người hiểu ra giá trị của đồng tiền, để thêm trân quý số tiền bố mẹ bạn vẫn cho bạn mỗi tháng. Bạn có thể làm đi gia sư hoặc làm thêm ở 1 cửa hàng cà phê, nó sẽ mang tới cho bạn 1 khoản thu nhập, giúp bạn trưởng thành và mang lại cho bạn những kỹ năng khác trong cuộc sống như làm việc, bán hàng, giao tiếp, thuyết trình…
Tự tìm tòi và học tập thêm.
Nếu thấy kiến thức trong sách hoặc thầy cô giảng chưa đủ hấp dẫn thì phải biết tự tìm tài liệu thú vị bên ngoài để nâng cao tri thức. Không thiếu gì sách hay cũng như các nguồn học online hữu ích như các trang Coursera, Udacity, Edx… Tri thức, kỹ năng có rất nhiều cách để rèn luyện. Tự học vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của mỗi người.
Đọc sách mỗi ngày
Tạo cho mình thói quen đọc sách là một điều bạn nên rèn luyện bởi nó thực sự hiệu quả nếu bạn muốn thu nhận kiến thức. Những cuốn sách có thể là giáo trình môn học bạn hứng thú, sách nghệ thuật, sách kỹ năng… Càng biết nhiều và hiểu nhiều về những người xung quanh, về chính bản thân và cuộc sống, càng có kiến thức xã hội, bạn càng dễ dàng thành công. Đọc sách sẽ giúp tâm trí của bạn được kích thích và mở cơ hội cho ra những ý tưởng hay. Mỗi tác giả sẽ mang đến cho bạn hàng loạt ý tưởng và bạn hoàn toàn có thể áp dụng chúng trong cuộc sống.
Tham gia các CLB hoặc các dự án cộng đồng.
Dự án cộng đồng không chỉ giúp mình có những trải nghiệm đầy ý nghĩa mà còn giúp mình kết nối với những con người tuyệt vời, có trái tim rộng mở. Khi kết nối với cộng đồng sẽ giúp bạn tự tin hơn, hoàn thiện các kĩ năng cần thiết cho bản thân. Làm việc với các tiền bối, những người nhiều kinh nghiệm hữu ích sẽ giúp mình đi nhanh hơn rất nhiều và tránh được những cú ngã không cần thiết.
Dành nhiều thời gian ở trường, tham gia các câu lạc bộ và làm quen với bạn mới bạn sẽ thấy trường thân thuộc như nhà của bạn. Kết bạn và trò chuyện với những người bạn mới giúp bạn khám phá ra nhiều điều thú vị.
Kết giao với những anh chị đi trước giúp bạn học hỏi được rất nhiều bài học từ họ và áp dụng cho chính bạn. Và cũng đừng bỏ lỡ những sự kiện văn hóa giải trí diễn ra trong trường… Đây chính là cơ hội tuyệt vời để bạn giao lưu, kết nối và mở rộng các mối quan hệ…
Học cách quản lý tiền của bạn.
Bắt đầu cuộc sống Đại học, vấn đề của các sinh viên năm 1 thường gặp phải đó là chi tiêu không có kế hoạch dẫn đến việc cuối tháng “ăn mì tôm”. Vậy nên, hãy ghi chép các khoản tiền vào một cuốn sổ để có thể cân bằng chi tiêu hợp lý nhé. Bạn cũng có thể tiết kiệm chi phí trong các vấn đề chi tiêu như mua các giáo trình cũ, ở kí túc xá… Hoặc bạn cũng có thể tìm một công việc bán thời gian hợp lý như gia sư chẳng hạn để tăng thêm thu nhập cho mình.
Chặng đường Đại Học sẽ trôi qua rất nhanh vì thế hãy nghiêm túc với mục tiêu của chính mình ngay từ đầu. Rất nhiều anh chị cho đến khi ra trường rồi mới thốt lên rằng hai chữ “Giá như”. Chính vì vậy, khoảng thời gian trên giảng đường đại học là bước chạy đà hoàn hảo cho bạn cất cánh khi ra trường, đừng biến nó thành khoảng thời gian ăn chơi lêu lổng để rồi đánh mất tương lai của chính mình bạn nhé.
See more
> Sinh viên Phú Xuân nhận học bổng Doanh nghiệp 40 triệu đồng.
> Làm thế nào để xác định được hành trang cho “Chuyến Đi Thanh Xuân”?