Trong những năm qua, cơ hội nghề nghiệp và triển vọng việc làm của cử nhân ngành Việt Nam học – Du lịch ngày càng được mở rộng. Không chỉ bó hẹp trong những doanh nghiệp tư nhân, cử nhân ra trường còn có nhiều cơ hội tham gia vào công tác nghiên cứu và quản lý văn hóa thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở địa phương. Dưới đây là một số nhóm nghề mà các bạn sinh viên ngành Việt Nam học – Du lịch có thể tham khảo trước khi ra trường và lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân:
1. Hướng dẫn viên du lịch, quản trị lữ hành
Nói đến du lịch, đa số chúng ta đều sẽ nghĩ ngay đến ngành Hướng dẫn viên du lịch đầu tiên. Nhiệm vụ chính của một Hướng dẫn viên du lịch là đón tiếp du khách, tổ chức hoạt động du lịch theo yêu cầu, giới thiệu và cung cấp các thông tin cần thiết về các địa điểm du lịch, quản lý sinh hoạt và đảm bảo an toàn cho hành khách trong suốt chuyến đi.
Với nền tàng của ngành Việt Nam học – Du lịch là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời còn được bổ sung các kiến thức kỹ năng nghiệp vụ cơ bản ngành Du lịch, sinh viên ra trường của ngành này sẽ có đươc chuyên môn vững vàng, hiểu biết sâu rộng và khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề nhanh nhẹn. Nhờ đó có không ít cử nhân ngành Việt Nam học – Du lịch tốt nghiệp từ trường đại học Phú Xuân đã đạt được những thành tích công tác xuất sắc tại các công ty du lịch hay khu quản lý di tích, danh thắng quốc gia,…
Trái ngược với nghề Hướng dẫn viên du lịch, những người quản lý du lịch, quản trị lữ hành chủ yếu làm việc ở văn phòng, tham gia vào quá trình khảo sát, quảng bá du lịch, gặp gỡ đối tác và tổ chức hội thảo, ngoài ra họ còn là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế tours du lịch, quản lý và điều hành tours, thiết kế và quản trị các sự kiện du lịch. Với chương trình đào tạo bài bản về tổ chức và hướng dẫn các hoạt động du lịch, khả năng quản lý và hiểu biết sâu rộng về du lịch Việt Nam, mặc dù đây không phải là công việc mà những sinh viên mới ra trường, còn ít kinh nghiệm có thể làm ngay được, nhưng không ít sinh viên ngành Việt Nam học – Du lịch đã có thể bắt đầu thử việc ngay sau khi tốt nghiệp.
2. Các cơ quan báo chí, tuyên truyền
Sinh viên ngành Việt Nam học – Du lịch có thể tham gia công tác tại các tổ chức, cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội như: Sở Văn hóa, thể thao, du lịch, các tòa soạn báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh,… thực hiện các chuyên mục liên quan đến văn hóa, du lịch và ngôn ngữ.
Theo đuổi ngành Việt Nam học – Du lịch, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về du lịch và văn hóa Việt Nam, đồng thời với sự chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tin học, sinh viên ngành Việt Nam học – Du lịch có thể bắt kịp với sinh viên đến từ các trường đại học Báo chí trong việc soạn thảo văn bản, các tác nghiệp báo chí cơ bản, những phương pháp phát hiện, giải quyết và khắc phục vấn đề, cách quan sát, sưu tầm và tổng hợp tài liệu. Do đó báo chí và tuyên truyền cũng là một hướng đi mới mẻ cho ngành Việt Nam học – Du lịch ở nước ta hiện nay.
3. Các viện nghiên cứu văn hóa, các cơ quan hành chính, sự nghiệp
Đối với những bạn đam mê nghiên cứu và muốn tìm hiểu sâu hơn về nền hóa đa dạng và phong phú của Việt Nam, lựa chọn làm việc tại các viện nghiên cứu văn hóa, viện hàn lâm khoa học xã hội,… sẽ là một lựa chọn không tồi. Với chức năng nghiên cứu về văn hóa học và văn hóa Việt Nam, cung cấp những luận cứ khoa học về phát triển văn hóa, đóng góp cho việc hoạch định đường lối và tham gia phát triển tiềm lực khoa học về văn hóa của nước nhà, đây sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ ham học hỏi tìm hiểu một cách toàn diện và đa dạng những lĩnh vực của một quốc gia từ góc nhìn văn hóa.
Bên cạnh đó, là nhân viên của các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở địa phương, bạn sẽ được đóng góp ý kiến của mình, cùng xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển văn hóa bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chung tay vì một Việt Nam giàu bản sắc.
4. Giảng dạy
Trước nhu cầu tuyển dụng ngày càng gia tăng, hiện nay có rất nhiều trường đại học bắt đầu mở thêm ngành Vietnamese Studies, đặc biệt là chuyên ngành Du lịch, tăng thêm lượng sinh viên mỗi năm để đáp ứng “sự khát” nguồn nhân lực. Do đó, các cử nhân ngành Việt Nam học – Du lịch có thể tiếp tục theo đuổi khóa Thạc sĩ sau khi ra trường và tìm kiếm cho mình cơ hội để trở thành giảng viên của các trường đại học danh tiếng trên cả nước.
Ngoài các ngành nghề nêu trên, sinh viên tốt nghiệp từ ngành Việt Nam học – Du lịch còn có thể làm việc trong các khách sạn, resort, các viện bảo tàng, khu bảo tồn thiên nhiên, các tổ chức văn hóa – xã hội chính phủ hay phi chính phủ khác,… Từ đó cũng đủ thấy được tiềm năng nghề nghiệp phong phú và đa dạng của ngành học này, giải thích lý do tại sao các bạn trẻ hiện nay lại yêu thích ngành Việt Nam học – Du lịch đến như vậy.