Được học giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ là mơ ước của nhiều bạn sinh viên. Tuy nhiên sau một vài buổi tương tác với thầy giáo Tây, một số bạn sinh viên đã bất ngờ vắng học. Đây là một thực trạng không chỉ diễn ra ở các lớp tiếng Anh giao tiếp ở các trung tâm dạy Tiếng Anh, mà còn ở các lớp tiếng Anh chính khóa ở các trường đại học. Tại sao nhiều sinh viên lại vắng học sau một số buổi học nói tiếng Anh với người nước ngoài? Làm thế nào để xây dựng sự tự tin và giúp người học vượt qua được những sợ hãi ban đầu khi học học giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ?
Là giảng viên dạy tiếng Anh, tôi nhận thấy rằng bước đầu tiên luôn là bước đi khó khăn nhất, việc nói tiếng Anh cũng vậy. Nhưng khi đã vượt qua được nỗi sợ nói đó rồi thì bạn sẽ thấy không gì là không thể và hành trình học tiếng Anh cũng từ đó mà trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn. Hãy tìm hiểu xem nguyên nhân sâu xa khiến bạn sợ nói tiếng Anh là gì các bạn nhé. Một khi đã tìm ra nguyên nhân chúng ta sẽ dễ dàng có được những giải pháp thích hợp để giải quyết một cách hiệu quả.
1. Ngại giao tiếp tiếng Anh
Rất nhiều người trong chúng ta ngại khi giao tiếp với người khác. Chúng ta thà dành một buổi tối yên tĩnh để đọc sách hơn là ra ngoài hay đi party. Có thể là vì sợ trò chuyện với người lạ. Nhưng cũng có thể là vì không có nhu cầu giao tiếp với bất kỳ ai (nhất là những người hướng nội – introvert). Dù là nguyên do gì thì việc không chủ động trò chuyện với người khác sẽ là một hạn chế khiến khả năng nói tiếng Anh khó được cải thiện.
2. Vốn từ vựng ít
Đây có lẽ là cái cớ mà nhiều người vin vào nhất khi họ không nói tiếng Anh. Tất nhiên là bạn cần biết một số từ vựng nhất định trước khi bắt đầu nói, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải chờ cho đến khi vốn từ của mình thật nhiều rồi mới giao tiếp tiếng Anh với người khác. Về cơ bản, chúng ta chỉ cần biết một số câu nói đơn giản là đã có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện rồi.
3. Sợ mắc lỗi
Đa phần người học tiếng Anh ngại nói vì họ sợ sai. Họ không tự tin, xấu hổ và mất bình tĩnh mỗi khi phải nói bằng tiếng Anh. Nguyên nhân chính là vì họ chưa rèn được cho mình phản xạ nói tự nhiên nên mỗi khi giao tiếp với người khác họ sẽ thấy lúng túng và không biết nên trả lời như thế nào. Một số khác có thể rất muốn thực hành tiếng Anh nhưng nỗi sợ sai lại ngăn họ lại. Họ không tự tin vào khả năng ngoại ngữ của bản thân và sợ người khác thấy thiếu sót của mình.
4. Luôn lo lắng, căng thẳng
Đây là một trạng thái tâm lý bình thường mà ai cũng từng gặp phải. Tuy nhiên có một số người, mức độ lo lắng và căng thẳng sẽ cao hơn. Chưa bàn đến việc học ngoại ngữ, trong cuộc sống hằng ngày, những người này thường tỏ ra khó chịu, bồn chồn và khó kiểm soát được bản thân. Nguyên nhân của những trạng thái căng thẳng, lo âu này có thể xuất phát từ các yếu tố sinh học như di truyền, cơ thể suy nhược hay từ các yếu tố ngoại cảnh như môi trường sống.
Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh?
1. Chấp nhận rằng sợ hãi là điều bình thường và bạn cần có đủ can đảm để đối mặt với nó
Chúng ta luôn nghĩ rằng những người đã giỏi rồi thì sẽ không cảm nhận được nỗi sợ khi phải nói tiếng Anh, và rằng một ngày nào đó khi tiếng Anh của mình đủ tốt thì chúng ta sẽ không còn thấy sợ nữa. Nhưng sự thật là những người thành thạo tiếng Anh hay thậm chí những người bản ngữ cũng có thể mang trong mình nỗi sợ khi phải giao tiếp với người khác. Sợ hãi là một phần của cuộc sống. Chúng ta sợ thật nhiều điều chứ đâu có riêng gì việc nói tiếng Anh. Bạn đã từng sợ nói trước đám đông chưa? đã từng run bần bật khi ngồi trong phòng phỏng vấn? Có thể nói rằng, cảm giác sợ đó là một tâm lý bình thường mà ai cũng từng ít nhất dăm ba lần trải qua. Nhưng để đi xa hơn chúng ta cần học cách đối mặt với những nỗi sợ đó. Hãy bước ra ngoài vùng an toàn của mình ngay thôi, bạn sẽ thấy chúng chẳng có gì đáng sợ cả.
2. Chấp nhận rằng lỗi sai và những thử thách bạn đối mặt là một phần quan trọng trong hành trình học ngoại ngữ
Chẳng ai muốn mắc lỗi cả. Việc mắc lỗi khiến chúng ta cảm thấy thiếu tự tin và đôi khi là nguyên nhân làm nhiều người bỏ cuộc. Từ thuở còn nhỏ chúng ta đã được dạy rằng mắc lỗi là một điều không tốt, chúng ta phải tránh mắc lỗi. Nhưng bạn biết đấy, chúng ta trưởng thành lên từng ngày là nhờ việc mắc lỗi và học hỏi kinh nghiệm từ những lỗi lầm đó. Có một nỗi sợ vô hình mà chúng ta luôn bị ám ảnh là sợ bị người khác chê cười khi ta mắc lỗi. Nhưng sẽ chẳng ai cười khi bạn mắc lỗi lúc học ngoại ngữ đâu. Thực ra khi trò chuyện, người nghe chủ yếu sẽ chỉ tập trung vào nội dung của cuộc đối thoại – họ tiếp nhận thông tin chứ chẳng có ai chăm chăm để ý đến lỗi sai của bạn. Trừ khi những lỗi sai này ảnh hưởng đến nội dung và ý nghĩa của những gì bạn đang nói. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể lờ đi những lỗi mà mình mắc phải khi nói. Thay vào đó, hãy chấp nhận những lỗi đó như là một phần không thể thiếu khi học ngôn ngữ và tìm cách khắc phục chúng.
3. Thay đổi hướng tập trung của bạn
Bạn có biết rằng việc lo lắng hay sợ hãi khi nói tiếng Anh không phải là vì khả năng tiếng Anh của bạn yếu. Nó liên quan đến vấn đề tâm lý nhiều hơn. Bạn tập trung quá nhiều năng lượng vào những suy nghĩ tiêu cực trước/ trong khi nói. Bạn sợ mình mắc lỗi, sợ người ta sẽ đánh giá mình. Và tất nhiên khi tất cả sự tập trung của bạn đều hướng đến việc lo lắng, sợ hãi thì làm sao nói trôi chảy cho được. Bây giờ, hãy dẹp cái tôi sang một bên và nói chuyện, chia sẻ chân thành với người khác. Hãy tập trung vào những gì bạn muốn nói với người đối diện và tận hưởng những khoảnh khắc đó thay vì mải mê lo lắng mấy lỗi sai nhỏ nhặt của mình.
Đồng thời hãy kết hợp với các hoạt động khác nhau để nâng cao khả năng tập trung như thiền, yoga, chạy bộ… Những hoạt động này đi kèm với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bạn ngăn chặn được các trạng thái như căng thẳng, lo âu, và mất tập trung. Nhờ đó bạn sẽ có thêm tự tin để nói tiếng Anh trong bất kì trường hợp nào.
See more
Sinh viên Trường đại học Phú Xuân học tiếng Anh với giảng viên bản ngữ