Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT) vào năm 2020, số nhân lực thiếu hụt lên tới trên 500.000 người. Thời đại 4.0 đáng lẽ phải mở ra nhiều cơ hội lớn cho sinh viên ngành CNTT nhưng lượng lập trình viên thất nghiệp mỗi năm vẫn tăng đều. Dưới đây là những lý giải cho “nghịch lý” này.
Thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp CNTT, khoảng cách giữa đào tạo tại các trường ĐH, CĐ kể cả trường trung cấp so với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực ngành CNTT tại doanh nghiệp là quá xa. Số sinh viên ra trường làm việc được ngay chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung. Thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy hiện nay, 72% sinh viên ngành lập trình không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết về lĩnh vực mình hành nghề.
Rất nhiều sinh viên ra trường thú nhận rằng mình không có khả năng làm được việc trong thực tế do không được cập nhật các công nghệ mới thường xuyên và số giờ thực hành chưa đáp ứng số giờ thực hành mà doanh nghiệp yêu cầu.
Để giải quyết thực trạng này, hiện nay một số chương trình đào tạo CNTT của các trường ĐH, CĐ đã triển khai theo mô hình mới nhằm gắn kết với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tiêu biểu phải kể đến chương trình chuyển nghề lập trình viên (Migrate to IT) của Trường Đại học Phú Xuân, được xây dựng nhằm đào tạo những lập trình viên hiện đại.
Hoàn thành chương trình trên, người học có đủ năng lực của một lập trình viên chuyên nghiệp, có thể tham gia trực tiếp vào các dự án phần mềm tại doanh nghiệp hoặc tự mình xây dựng các ứng dụng phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Chưa đủ hành trang kỹ năng mềm để hội nhập
Tiếng Anh và kỹ năng mềm là hành trang không thể thiếu của các lập trình viên để hội nhập. Để làm việc được, một chuyên viên CNTT cần có những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng chủ động trong công việc.
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện trên thị trường lao động, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp phù hợp rất nhiều. Tuy nhiên, để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo và Tiếng Anh chuyên nghiệp, đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như “mò kim đáy biển”. Mặc dù không nhiều các nhà tuyển dụng đòi hỏi thẳng kỹ năng mềm của ứng viên trong các thông báo tuyển dụng nhưng đây thực sự là những gì họ đang tìm kiếm khi tiếp xúc cũng như tiếp nhận ứng viên.
Có thể nói, “Thừa người thiếu việc” là bài toán khó giải đối với nguồn nhân lực CNTT nói chung và ngành lập trình viên nói riêng, là một quá trình cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường và bản thân người học.
Thị trường nhân lực và đầu ra của ngành CNTT ngày càng có chiều hướng phát triển mạnh và yêu cầu cao hơn về chất lượng – một lực lượng không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn, vững kỹ năng nghề và ngoại ngữ, đồng thời đáp ứng được thị trường lao động trong nước và quốc tế ngày càng cạnh tranh.