Chắc hẳn rất nhiều bạn đã nghe qua những lời “cảnh báo” về nghề Kế toán như “làm kế toán cực lắm”, “nghề này lương chỉ 3 triệu/tháng”, “công việc kế toán nhàm chán mà dễ rủi ro”,… Tuy nhiên, có đúng nghề kế toán “bạc bẽo” thế không mà năm nào cũng có hàng nghìn thí sinh đăng ký theo học? Hãy cùng “giải oan” cho ngành kế toán qua bài viết dưới đây nhé.
1. Nghề kế toán nhàn hạ
Nếu bạn nghĩ rằng nghề kế toán nhàn hạ, mỗi ngày đi làm chỉ cần xử lý vài cái hóa đơn, cuối tháng thì chỉ cần làm báo cáo tài chính là xong việc – thì đó là quan niệm sai lầm. Thực tế thì vẫn có những nhân viên kế toán được làm việc trong điều kiện an nhàn như vậy – do làm trong những công ty quy mô nhỏ, “được người quen giới thiệu”. Tuy nhiên điều này không đúng với số đông còn lại.
Hầu hết các vị trí kế toán viên trong doanh nghiệp: kế toán kho, kế toán doanh thu, kế toán công nợ, kế toán thuế… và đặc biệt là kế toán tổng hợp, kế toán trưởng sẽ luôn trong tình trạng “đầu nghĩ, tay làm”. Cuối tháng, nhân viên kế toán phải thực hiện việc tổng hợp rất nhiều loại giấy tờ, chứng từ khác nhau, lập báo cáo tài chính. Công việc nghề kế toán kể ra đây, bạn có thể nghĩ rằng nó vất vả – tuy nhiên nếu có sự tỉ mỉ, cẩn thận – bạn sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
2.Nghề kế toán khô khan, nhàm chán
Công việc kế toán luôn gắn liền với những con số, số liệu và giấy tờ – cho nên xét về một phương diện nào đó, nếu nói rằng nghề kế toán khô khan, nhàm chán thì vẫn đúng. Tuy nhiên đây chỉ là tính chất công việc chung. Quy trình làm việc có thể lặp lại các thao tác giống nhau, nhưng những con số thì luôn biến thiên thay đổi cho nên bản thân số liệu đã chứa đựng những yếu tố mới mẻ. Bên cạnh đó, nhân viên kế toán không chỉ làm việc với giấy tờ mà còn giao tiếp với khách hàng hay các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp. Bạn phải liên hệ với khách hàng để đối chiếu các chứng từ, hóa đơn – phối hợp làm việc với nhân viên kinh doanh về vấn đề hợp đồng, với nhân viên nhân sự về vấn đề tiền lương… Khi có phát sinh sự giao tiếp, phối hợp trong công việc thì không thể “quy chụp” suy nghĩ rằng nghề kế toán khô khan, nhàm chán.
3. Nghề kế toán lương thấp
Mức lương kế toán viên hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau: vị trí làm việc, năng lực – kinh nghiệm làm việc, quy mô doanh nghiệp, mặt bằng lương của địa phương… Mức lương nhân viên kế toán mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc hiện vào khoảng 4 – 5 triệu đồng/ tháng, kế toán viên đã có kinh nghiệm 1 – 2 năm nhận mức lương tháng 6 – 9 triệu, kế toán tổng hợp lương 10 – 15 triệu, kế toán trưởng từ 15 triệu đồng trở lên… Có không ít kế toán trưởng giỏi nhận mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Cũng như nhiều ngành nghề khác, mức lương nhân viên kế toán sẽ có sự phân hóa từ thấp lên cao tùy thuộc vào các nhân tố trên cho nên nếu mặc định rằng “Nghề kế toán lương thấp” là không đúng.
4.Nhân viên kế toán giỏi phải biết làm “ảo thuật” với những con số
Vai trò quan trọng nhất của nhân viên kế toán là bảo vệ doanh nghiệp tránh khỏi các rủi ro tài chính cũng như những hình thức phạt theo pháp lý của cơ quan thuế nhà nước. Cho nên, nhân viên kế toán không thể bất chấp pháp luật, làm “ảo thuật” với những khoản tiền “đen” của doanh nghiệp mà cần phải tìm giải pháp cân đối, hạch toán rõ ràng để doanh nghiệp không phải gánh chịu những “hậu họa về sau”.
5. Ứng viên kế toán không có kinh nghiệm khó xin việc
Không thể phủ nhận rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay ưu tiên tuyển dụng những ứng viên kế toán có kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên nếu nhận định “Ứng viên kế toán không có kinh nghiệm khó xin việc” là đúng thì lượng sinh viên kế toán ra trường hàng năm sẽ làm công việc gì?
Chuyện ứng viên kế toán xin được việc hay không sẽ phụ thuộc vào chính ứng viên đó. Bạn có thể tìm và ứng tuyển vào những doanh nghiệp không yêu cầu kinh nghiệm, dùng kiến thức nghiệp vụ đã được học cộng với sự cẩn thận, tỉ mẩn của bản thân để hoàn thành tốt từng công việc được giao – hoặc có thể chủ động gửi hồ sơ xin học việc kế toán để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, giúp CV xin việc của bạn chất lượng hơn…
Bên cạnh đó, chuyện khó hay dễ xin việc còn phụ thuộc bạn muốn làm việc ở đâu. Nếu xin việc tại các trung tâm việc làm lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Huế… chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho bạn.
See more
Kế toán là gì? Tất tần tật về ngành kế toán
Ngành Kế toán học trường nào là tốt nhất?