Trong quá trình chọn ngành học, chắc hẳn bạn đã từng nghe ai đó khuyên không nên chọn Ngôn ngữ Anh vì ngành này chỉ giúp cải thiện năng lực tiếng Anh (kỹ năng mềm) chứ không trang bị kiến thức chuyên môn (kỹ năng cứng) như các ngành đặc thù khác. Vì quan điểm này nên ngành Ngôn ngữ Anh luôn bị cho là ngành học “vô dụng” dù ai cũng công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ có ảnh hưởng nhất thế giới trong mọi lĩnh vực. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những lý do chứng tỏ ngành Ngôn ngữ Anh vẫn có những giá trị nhất định mà bạn hoàn toàn có thể cân nhắc theo đuổi.

Ngôn ngữ Anh đem lại lợi ích cho cuộc sống

Như chúng ta đã biết, Ngôn ngữ nói chung và Ngôn ngữ Anh nói riêng là phương tiện để con người giao tiếp với nhau trong mọi mặt của cuộc sống nên không bao giờ là “vô dụng”. Thế giới có đến 1.5 tỷ người nói tiếng Anh, chiếm đến 20% tổng dân số toàn cầu và được sử dụng tại 50 quốc gia nên biết tiếng Anh một cách bài bản là lợi thế rất lớn.

Ngôn ngữ Anh không bao giờ lỗi thời

Mặc dù tiếng Anh chỉ đứng thứ ba trong danh sách những ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất thế giới nhưng vì ngôn ngữ này được dùng ở nhiều quốc gia hơn nên tầm ảnh hưởng vẫn không bao giờ sụt giảm. 10 năm trước bạn học Ngôn ngữ Anh thì bây giờ bằng cấp của bạn vẫn giữ nguyên giá trị. Dù thời thế có thay đổi thế nào thì sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh vẫn luôn có đất dụng võ trong thị trường lao động khắc nghiệt toàn cầu.

Ngôn ngữ Anh không bao giờ phí

Có một thực tế là nhiều bạn chọn học Ngôn ngữ Anh không phải vì thích ngoại ngữ mà chỉ đơn giản vì… không biết học ngành nào. Với sự đa dạng ngành nghề như hiện nay, việc chọn “học đại” Ngôn ngữ Anh vẫn an toàn hơn những ngành khác là bởi dù bạn thích hay không thích tiếng Anh thì những kiến thức được học sau khi tốt nghiệp vẫn luôn dùng được. Còn đối với những ngành chuyên môn cao khác, nếu bạn cảm thấy không hứng thú thì các kiến thức được học chắc chắn sẽ luôn bị xếp xó, đồng nghĩa với việc một khoản đầu tư không nhỏ cho việc học đã bị lãng phí.

Ngôn ngữ Anh vẫn có nhiều thử thách

Một lý do khác khiến ngành Ngôn ngữ Anh thường bị xem nhẹ là vì chương trình học… dễ quá. Thật ra Ngôn ngữ Anh chỉ dễ với những người không thực sự xem trọng ngành học này. Các bạn nên biết ngay cả những người bản địa ở quốc gia nói tiếng Anh vẫn chọn Ngôn ngữ Anh để học thì chắc chắn đây không phải là ngành học “dễ ăn” như bạn vẫn nghĩ. Học tiếng Anh cho mục đích giao tiếp đơn thuần có thể là dễ với bạn nhưng học làm sao để dùng nó kiếm ra tiền thì không hề đơn giản xíu nào.

Lấy một ví dụ đơn giản, mặc dù tiếng Anh phổ biến là vậy nhưng mỗi địa phương sẽ có cách sử dụng và cách nói tiếng Anh khác nhau. Những gì bạn học trong trường chỉ là cách nói tiếng Anh của một nơi nhất định, chủ yếu là Mỹ hoặc Anh, nên bạn có dám tự tin mình sẽ hiểu tiếng Anh của người Ấn, Singapore, Malaysia và nhiều quốc gia khác? Thêm một ví dụ nữa, viết một bài tiểu luận trong chương trình học không khó nhưng bạn có chắc mình sẽ đủ sức hoàn thành một bản báo cáo chục trang cho một công ty nước ngoài với đầy đủ các từ chuyên môn? Tiếng Anh thật sự khó hơn bạn tưởng rất nhiều.

Ngôn ngữ Anh vẫn cung cấp cho bạn kỹ năng cứng

Mọi người thường nghĩ học Ngôn ngữ Anh ở trường chính quy cũng giống đi luyện Anh văn giao tiếp tại các trung tâm Anh ngữ nên hiểu nhầm ngành Ngôn ngữ Anh chỉ dạy kỹ năng mềm. Thực tế thì Ngôn ngữ Anh ở trường đại học dạy bạn nhiều kỹ năng cứng khác dựa trên nền tảng ngôn ngữ để giúp bạn có thể kiếm sống sau khi tốt nghiệp.

Học Anh văn giao tiếp ở trung tâm thì bạn chỉ dừng ở mức có thể nói chuyện với người nước ngoài là đã thành công nhưng học Ngôn ngữ Anh ở đại học thì bạn phải biết viết một bài luận đúng cấu trúc, dịch văn bản không sai nghĩa, dịch văn nói linh hoạt, kỹ năng nghiên cứu tài liệu chính xác, giảng dạy Anh ngữ dễ hiểu và vô vàn kỹ năng liên quan khác. Viết, dịch, nghiên cứu và giảng dạy chính là kỹ năng chuyên môn giúp bạn có thể kiếm được tiền.

Ngôn ngữ Anh cho bạn nhiều lựa chọn để học lên cao

Tất cả mọi lĩnh vực đều phải dùng ngôn ngữ để giao tiếp nên với bằng Cử nhân Ngôn ngữ Anh kèm theo kinh nghiệm làm việc liên quan thì bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ để học lên cao ở một ngành khác. Marketing, Biên kịch, Quản trị Kinh doanh, Báo chí, Luật, Sư phạm… là một số ngành học bạn có thể tiếp tục học lên dựa trên nền tảng Ngôn ngữ Anh để nâng cao năng lực chuyên môn.

Trong khi đó với một số ngành học đặc thù khác thì bạn chỉ có thể chọn học lên cao trong giới hạn các ngành thuộc cùng lĩnh vực. Chẳng hạn như nếu bạn chọn học Công nghệ Thông tin ở bậc Cử nhân thì khả năng cao bạn chỉ có thể học Thạc sĩ một ngành liên quan đến công nghệ chứ không thể rẻ nhánh hoàn toàn như Ngôn ngữ Anh.

Ngôn ngữ Anh đem đến cho bạn nhiều cơ hội việc làm

Ngoài công việc đi dạy tiếng Anh như mọi người vẫn nghĩ, sinh viên học Ngôn ngữ Anh còn có vô số lựa chọn khác trong con đường sự nghiệp như copywriter tại các công ty quảng cáo, chuyên viên truyền thông của doanh nghiệp, phóng viên viết bài, biên tập viên cho tạp chí, chuyên viên sáng tạo nội dung (content creator), biên phiên dịch, blogger và nhiều vị trí đòi hỏi sử dụng ngôn ngữ khác. Tác giả viết bài này cũng từng học ngành Ngôn ngữ Anh và hiện đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số. Học Ngôn ngữ Anh không bao giờ sợ thất nghiệp nếu các bạn biết tận dũng kỹ năng ngôn ngữ của mình vào các công việc cụ thể.

Ngôn ngữ Anh có thể học tại nhiều quốc gia

Vì tiếng Anh được sử dụng ở nhiều nước nên bạn cũng có nhiều lựa chọn trong địa điểm học tập. Nếu không thích học ở Việt Nam thì bạn có thể chọn du học Ngôn ngữ Anh ở Mỹ, Anh, Úc. Trong trường hợp không thích học ở trời Tây xa xôi thì vẫn có thể chọn học ở Singapore, Philippines hay Malaysia cho gần Việt Nam.

 Ngôn ngữ Anh giúp bạn dễ sống ở nước ngoài hơn

Tìm việc ở nước ngoài chắc chắn không dễ nhưng với kỹ năng mềm và cứng học được trong ngành Ngôn ngữ Anh thì bạn hoàn toàn có thể tồn tại ở nước ngoài. Nếu bạn không tìm được công việc chính thức phù hợp thì vẫn có lựa chọn trở thành người làm việc tự do cung cấp các dịch vụ liên quan đến ngôn ngữ. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày một nhiều nên cơ hội không bao giờ thiếu cho bạn.

Lời kết

Không riêng Ngôn ngữ Anh, những ngành ngôn ngữ khác như Nhật, Trung, Hàn cũng có thế mạnh riêng. Các ngành học ngôn ngữ nhìn chung không bao giờ là “vô dụng” nên bạn không cần phải lăn tăn khi quyết định theo đuổi chúng.

Xem thêm

Lộ trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh

Điều kiện trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh

Học ngành Ngôn ngữ Anh dễ hay khó?

Ngành Ngôn ngữ Anh là gì?

Ngành Ngôn ngữ Anh ra trường làm nghề gì?

Những ngôi trường đào tạo Ngành Ngôn ngữ Anh uy tín

Tại sao nên học Ngành Ngôn ngữ Anh?

Đại học phú xuân ký cam kết đảm bảo việc làm với sinh viên

Thông tin tuyển sinh Đại học Phú Xuân 2020