Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử lâu đời, dân số đông và diện tích trải dài nhiều vùng khí hậu khác nhau. Đến những thảo nguyên nội Mông sẽ cho bạn cảm giác bay bổng bao la giữa khoảng không xa xăm, giữa tiếng hát của người du mục trên lưng ngựa khi hoàng hôn buông xuống tìm bạn. Giữa dòng Hoàng Hà cuộn cuộn phù sa, con người chơi vơi nhỏ bé, nhưng sông cũng như lòng mẹ bồi đắp và vun xới bao nhiêu giá trị vĩnh hằng. Con người nơi đây chân chất và hồn hậu như người dân miền Trung chúng ta. Xuôi về Nam, Trường Giang đằm thắm hơn, một cảm giác bình yên nhẹ nhàng. Trường Giang gắn liền với nền văn minh lúa nước và sự trù phú của vùng đất nơi đây. Nếu một lần bạn đứng trên đỉnh trời Thái Sơn, dưới mắt bạn tất cả chìm vào cỏi mông lung, ngoảnh nhìn lên, bạn như chạm vào trời xanh. Cạnh chân núi xa xa trong rừng thông và bạch dương có ngôi mộ phủ đầy cỏ xanh của Khổng Tử, người sáng lập ra Nho Gia.

Trong triết học Trung Hoa cổ đại có nhiều học thuyết như: các học thuyết Âm Dương, Bát quái, Ngũ hành và Âm Dương gia; Nho gia; Đạo gia; Pháp gia. Do những đặc điểm nổi bật của điều kiện tự nhiên, dân số, địa lý và đặc biệt lịch sử Trung Quốc cổ đại kéo dài tình trạng cát cứ, chiến tranh, triết học Trung Hoa cổ đại phần lớn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, gắn liền với chính trị xã hội. Trong đó học thuyết Nho gia có ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên mỗi thời kỳ sự vận dụng học thuyết này có sự khác nhau, đã có thời  như trong Cách mạng Văn hóa người ta có câu “đá đảo Khổng Gia Điếm”, cho rằng tư tưởng nho giáo là nguyên nhân tạo nên sự trì trệ và lạc hậu của đất nước Trung Quốc. Nhưng cho đến ngày nay học thuyết Khổng Tử lại được đề cao và được nhiều người nghiên cứu. Miếu thờ Khổng Tử có ở khắp nơi, học bổng Khổng Tử dành cho người nước ngoài, các Trung tâm nghiên cứu Khổng Tử.

Khổng Tử là người sáng lập ra học thuyết của Nho gia, nhưng không được Chính giới đương thời trọng dụng, ngoại trừ một thời gian ngắn ra làm quan, Ông về quê mở trường tư dạy học. Đến quê hương Ông bạn có thể tham quan “Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng lâm”. Thời gian bào mòn từng phiến đá, nhưng những giá trị mà nó chuyển tải vẫn mãi lưu truyền. Các triều đại phong kiến Trung Hoa đã dùng thuyết mệnh trời của Ông để thống trị thiên hạ. Lý tưởng của người Trung Hoa xưa là giáo dục để trở thành người quân tử, mà muốn làm người quân tử là phải tuân theo mệnh trời. Vua là thiên tử, là con trời, vì vậy làm sai ý vua là sai ý trời là “chu di cửu tộc”. Người dân Trung Quốc đã chịu sự chi phối này dưới các triều đại phong kiến.

Trong các quan hệ xã hội, Khổng Tử xem quan hệ đạo đức và chính trị là quan hệ trọng tâm. Người muốn làm chính trị phải “tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ”, phải trau dồi đạo đức cá nhân, phải tu thân theo “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Trong xã hội có giai cấp thì không thể chỉ dùng đức trị được, nhưng điều này đã góp phần xây dựng giá trị nhân cách con người. Mà cốt lõi của đức là “Nhân”, trong xã hội hiện đại và hậu hiện đại, con người sống trong sự sáo trộn và bất ổn trong tâm hồn, mọi giá trị đan xen, chữ “Nhân”có tác dụng dung hòa những xung đột ngay trong chính mỗi con người, và các mối quan hệ khác.

Vận dụng những mặt tích cực trong học thuyết của Khổng Tử  áp dụng trong xử thế, quan hệ xã hội, làm sao cho có độ mềm hóa và linh hoạt, góp phần giảm đi những xung đột tâm lý trong con người, cũng như sức căng trong tiết tấu của đời sống hiện đại. Con người có quan hệ hài hòa hơn với chính bản thân mình và môi trường xung quanh.

Xem thêm

> Cần lưu ý gì khi là Hướng dẫn viên Ngôn ngữ Trung?

> Ngành ngôn ngữ Trung và những chuyến thực tế tại Trung Quốc.