Theo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu cơ bản là du lịch Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ và hiện đại, tăng tổng số lao động trong ngành để đáp ứng nhu cầu phát triển. Qua đó, chúng ta cũng thấy được sự đầu tư, chú trọng của nhà nước trong lĩnh vực này, mở ra những tiềm năng không nhỏ cho sinh viên ngành Quản trị dịch vụ lữ hành trong tương lai.

Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ lữ hành ra trường sẽ làm gì?

Tính đến năm 2030, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có ngành du lịch phát triển, với tổng số lao động trong ngành du lịch lên đến hơn 3 triệu người (trong đó có 870.000 người là lao động trực tiếp). Để đáp ứng được chiến lược trên, ngành Quản trị dịch vụ lữ hành sẽ là một trong những ngành học dẫn đầu về nhu cầu nhân lực và dần trở thành xu hướng lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ sinh viên ngành Quản trị dịch vụ lữ hành ra trường sẽ làm gì, ở đâu.

Ngoài một số ngành nghề phổ biến như hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên phụ trách các bộ phận tiếp thị, chăm sóc khách hàng, nhân viên tổ chức hội nghị, sự kiện, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ lữ hành có thể tham gia điều hành, thiết kế tours ở các công ty du lịch trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, các khách sạn, resort, nhà hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu, giảng dạy về du lịch tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu cũng đang là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ, trên cơ sở nhiều trường đại học bắt đầu thành lập khoa Du lịch để phục vụ cho nhu cầu nhân lực hiện nay.

Ngoài những công việc kể trên, cử nhân ngành Quản trị dịch vụ lữ hành còn có thể làm việc tại các sở, ban, ngành, các cơ quan hành chính nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch, các trung tâm bảo tồn, viện bảo tàng, khu du lịch và nghỉ dưỡng.

Cơ hội và tiềm năng trong nghề

Với mục tiêu đặt ra năm 2020, Việt Nam sẽ thu hút được từ 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng trưởng hằng năm đạt 7,6%), đáp ứng 48 triệu lượt khách nội địa (tăng trưởng đạt 5,3% hằng năm). Doanh thu từ dịch sẽ tăng lên đén 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5-7% GDP vào năm 2020, thu hút 42,5 tỷ USD vốn đầu tư, và tăng nguồn cung buồng lưu trú lên đến 580.000 buồng, đảm bảo phát triển nền du lịch nước nhà, tăng cơ hội việc làm và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Đó là xu hướng ở Việt Nam, còn trên thị trường thế giới, nhu cầu nhân lực trong ngành Du lịch cũng tăng lên đáng kể, đạt đến con số 73 triệu việc làm tính đến năm 2020, trong đó tại Trung Đông là 1,2 triệu, châu Âu là 2,2 triệu, châu Mỹ là 9,6 triệu và ở châu Á tăng lên mức 46,1 triệu việc làm. Do đó, cơ hội việc làm và các lựa chọn nghề nghiệp của ngành Quản trị dịch vụ lữ hành đang mở rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, tạo điều kiện cho các bạn trẻ có năng lực có thể tìm được công việc phù hợp ở nước ngoài.

Lượng du khách quốc tế và nội địa gia tăng, ngành du lịch Việt Nam đòi hỏi một nguồn nhân lực dồi dào và có trình độ. Với những nhân viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng vững vàng, họ luôn được tạo cơ hội để phát triển bản thân, làm việc trong một môi trường thuận lợi nhất và nguồn thu nhập cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Xét riêng trong ngành hướng dẫn viên du lịch, mức lương của một hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm cho người nước ngoài ở Việt Nam dao động trong khoảng 10-30 triệu đồng/tháng (chưa tính đến phụ phí hay tiền hoa hồng). Còn với các nhân viên dẫn khách tours quốc tế, mức thu nhập hấp dẫn có thể lên đến 50 triệu đồng/tháng.

Theo nhiều chuyên gia về đánh giá nghề nghiệp nhận xét, du lịch sẽ là một ngành nghề khó có thể “lỗi thời” trong tương lai. Khi xã hội ngày càng hiện đại, địa lý không còn là khoảng cách, áp lực cuộc sống khiến con người ta có nhu cầu được giải tỏa nhiều hơn. Trong đó du lịch là một trong những biện pháp để thả lỏng bản thân, giảm stress công việc, kết nối con người và gia tăng tình cảm. Vì thế, nhu cầu đi lại và thăm thú sẽ trở nên ngày một phổ biến hơn. Bình quân mỗi bạn trẻ hiện nay thường đi du lịch 2-3 lần/năm (tính cả du lịch trong và ngoài nước). Do đó, không có gì phải nghi ngờ nhận định, ngành Du lịch nói chung và ngành Quản trị dịch vụ lữ hành nói riêng sẽ luôn giữ được vị thế là một ngành “hot” như bây giờ.

Bên cạnh những cơ hội rộng mở mà ngành Quản trị dịch vụ lữ hành đang mang lại, nhiều thử thách cũng được đặt ra đòi hỏi các bạn trẻ phải tìm cách chinh phục nó. Không có con đường nào chỉ trải mỗi hoa hồng, cũng không có công việc nào không thách thức, chông gai. Nếu bạn đam mê và có đủ nhiệt huyết, hãy đồng hành cùng chúng tôi, ngành Quản trị dịch vụ lữ hành của trường Đại học Phú Xuân.