Xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 2001 – 2002, sau gần 8 năm ngành Việt Nam học đã có mặt ở 76 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Trong khoảng 5 – 7 năm trở lại đây, “Việt Nam học” hay “chuyên ngành Du lịch” là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất bởi các phụ huynh và các thí sinh dự thi đại học.

Dưới đây là 3 lý do giải mã sức hút của ngành học này.

Ngành học “khan hiếm” nguồn nhân lực

Theo các thống kê nghiên cứu, Việt Nam học nói chung và chuyên ngành Du lịch nói riêng là ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Đây được dự báo là ngành sử dụng số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có cơ hội việc làm rất lớn cho số đông thanh niên Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên thực trạng hiện nay nguồn nhân lực ngành Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.

Nhiều chuyên ngành hẹp hấp dẫn

Việt Nam học là ngành phù hợp với những bạn trẻ năng động, ưa trải nghiệm, khám phá và yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lí, đất nước, con người Việt Nam. Sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo kiến thức cơ bản về văn hóa Việt Nam, công tác và nghiệp vụ du lịch, có khả năng tổ chức và hướng dẫn các hoạt động du lịch. Với đặc thù và tính chất nghề nghiệp, trong quá trình học tập, sinh viên ngành Việt Nam học sẽ thường xuyên có cơ hội tham gia các chuyến dã ngoại, các chuyến đi thực tế tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước.

Ngành Việt Nam học phù hợp với những bạn trẻ đam mê trải nghiệm, khám phá.
Ngành Việt Nam học phù hợp với những bạn trẻ đam mê trải nghiệm, khám phá.

Đi sâu vào các chuyên ngành hẹp, sinh viên có thể lựa chọn các lĩnh vực khác như: Huế học, Văn hóa và Du lịch, Quản trị lữ hành…

Nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường

Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, trong những năm qua nhiều thí sinh ngại học những ngành ở khối xã hội vì khó xin việc và thu nhập thấp. “Nhóm ngành xã hội là 1 trong 9 ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP. HCM trong giai đoạn 2014 – 2015 và xu hướng đến năm 2020 – 2015. Từ đây đến năm 2025, mỗi năm nhóm ngành này tuyển 8.100 người. Mức lương không hề thua kém các ngành khác. Trong đó, Việt Nam học là ngành cần nhiều lao động nhất” – Ông Tuấn cho biết.

Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, với những hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân tộc, sinh viên ngành Việt Nam học có thể làm việc tại các cơ quan ngoại giao, đài truyền hình, viện nghiên cứu, trường đại học, sở văn hóa, bảo tàng, công ty lữ hành du lịch… Các công việc hấp dẫn có thể kể đến như:

  • Cán bộ đại sứ quán, cơ quan ngoại giao
  • Trợ lý của các tổ chức văn phòng nước ngoài tại Việt Nam
  • Chuyên viên của cơ quan văn hoá, thể thao,du lịch của Trung ương và địa phương
  • Hướng dẫn viên các viện bảo tàng, di tích lịch sử
  • Cán bộ tại các viện nghiên cứu văn hoá, du lịch
  • Nhân viên của các công ty du lịch, nhà hàng và khách sạn
  • Hướng dẫn viên du lịch
  • Phóng viên, biên tập viên báo chí, truyền hình, đài phát thanh
  • Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài

Đặc biệt, các cử nhân Việt Nam học có ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội tuyệt vời để thực tập và làm việc ở nước ngoài do sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ du lịch lữ hành của Việt Nam trong những năm gần đây.

Sinh viên ngành Việt Nam học Trường Đại học Phú Xuân trong chuyến tham quan thực tế.
Sinh viên ngành Việt Nam học Trường Đại học Phú Xuân trong chuyến tham quan thực tế.

Những lý do trên đã khiến ngành Việt Nam học ngày càng được đông đảo người học quan tâm và chọn lựa. Một số trường đào tạo ngành này uy tín hiện nay phải kể đến: Trường Đại học Phú Xuân (Huế), Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân…

Được biết, với một số mô hình đào tạo mới như ở Trường Đại học Phú Xuân, bên cạnh việc tham gia các hoạt động ngoại khóa thực tế, sinh viên ngành Việt Nam học còn được trau dồi thêm các kỹ năng mềm cùng khả năng ngoại ngữ. Đồng thời dành 35% thời lượng học để học cùng chuyên gia đến từ các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch. Đây là nền tảng để nhân lực tốt nghiệp ngành Việt Nam học đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của của xã hội và nhà tuyển dụng trong quá trình hội nhập.