Bước vào kỉ nguyên công nghiệp 4.0, chúng ta phải đương đầu với nhiều thách thức đòi hỏi mỗi một người phải trang bị cho mình tri thức về công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng mềm thành thạo và kinh nghiệm làm việc thực tế để mở ra cánh cửa bước vào sân chơi toàn cầu hóa. Vậy sinh viên cần chuẩn bị những gì cho Kỉ nguyên 4.0?

Tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn

Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Do đó, các quốc gia muốn tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng vào thực tiễn sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra.

Vì thế, ngay từ trên giảng đường đại học, sinh viên phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào cuộc sống thì chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, mở ra cánh cửa để bước vào sân chơi toàn cầu hóa.

Nâng cao ngoại ngữ, mở rộng cơ hội nghề nghiệp

Trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính  cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi văn hóa của các miền đất trên Thế giới và tiếp thu tri thức nhân loại. Giữa xu thế “đa quốc gia hóa” của các công ty, biết ít nhất một ngoại ngữ sẽ giúp bạn nổi bật, dễ dàng nhận được công việc phù hợp với khả năng, trình độ bản thân, việc tìm kiếm các thông tin tuyển dụng sẽ mở rộng nhiều vị trí hấp dẫn.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng học ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là biết từ vựng và hiệu quả, nghĩa là người học ngoại ngữ đồng thời phải học hỏi văn hóa nước khác để có cách diễn đạt phù hợp. Một giảng viên tiếng Anh đã từng nói: “Không thể dạy được ngoại ngữ nếu người đó không am hiểu về văn hóa nước họ”. Cũng như vậy, việc học ngoại ngữ cũng cần gắn với mục đích đúng đắn nhất định, đó là phục vụ học tập, làm việc, giao tiếp và giải trí lành mạnh.

Hoàn thiện các kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm bao gồm: giao tiếp, làm việc nhóm, chọn partner, kỹ năng trình bày (thể hiện và vận dụng trí tuệ, công nghệ, bản lĩnh), quản lý thời gian… Đặc biệt, là kỹ năng quản lý thời gian để giúp các bạn sinh viên không sa đà vào mạng xã hội, giải trí mà làm việc thiếu hiệu quả, giảm năng suất. Trong quá tình học tập bạn cần khai thác và phát triển tối đa khả năng tiềm ẩn của mình. Hãy tham gia các chương trình ngoại khóa sôi nổi, các câu lạc bộ, các lớp học… là nơi bạn có thể rèn luyện kĩ năng mềm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của con người còn kỹ năng cứng (hay kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo.

Ngoài ra, bạn cũng cần tham gia vào công tác xã hội để biết chia sẻ năng lực và của cải với xã hội. Mối quan hệ là điều quan trọng, nó như một thư viện lớn. Khi cần việc gì sẽ tìm đến ngăn thư viện đó và mở nó ra, sẽ tìm được cách giải quyết khó khăn, thắc mắc của mình. Vì thế, xây dựng mối quan hệ từ thời sinh viên bằng cách tham gia các hoạt động xã hội của câu lạc bộ hay hội nhóm… là cách tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm và quan trọng là những mối quan hệ tốt đẹp.

Làm thêm để tích lũy kinh nghiệm thực tế – bí quyết gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Doanh nghiệp thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm, chính vì vậy nhiều sinh viên ra trường thường không đáp ứng được. Trái lại, nhiều sinh viên mới ra trường nhưng đã có bản CV đẹp với kinh nghiệm khá “dày”, họ nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp khi còn ở đại học.

Theo đó, kỳ thực tập (OJT) là một lợi thế rất lớn giúp sinh viên vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao cũng như không bị ngỡ ngàng khi bắt tay vào việc. Bởi kỳ thực tập là thời điểm tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Về cơ bản, quá trình thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong công ty. Ngoài ra, nếu muốn có thêm kinh nghiệm làm việc ngay trong khóa học, một công việc làm thêm phù hợp với ngành học hoặc sở thích sẽ giúp bạn học hỏi nhiều điều bởi trong quá trình làm việc không tránh được những “va chạm” bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để xử lý những tình huống đó. Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trước nhà tuyển dụng.

Tại PXU, với chương trình đào tạo thực chiến trong đó lộ trình và nội dung giảng dạy được xây dựng dựa trên sự gắn kết chặt chẽ “Nhà trường – Doanh nghiệp”, sinh viên được trang bị đầy đủ các nền tảng cho sự thành công trong kỉ nguyên việc làm mới, kỉ nguyên 4.0

Xem thêm

> Thông báo tuyển sinh 2021 trường Đại học Phú Xuân.

> 7 kĩ năng mà người khởi nghiệp trẻ cần rèn kỹ để kinh doanh thành công.