Đào tạo theo tín chỉ là điều sinh viên Trường Đại học Phú Xuân đã quen thuộc. Nhưng các bạn tân sinh viên vừa bước chân vào giảng đường đại học chắc chắn sẽ rất bỡ ngỡ khi tiếp cận hình thức đào tạo không giống với thời THPT này.

 

Hình thức đào tạo tín chỉ là gì? 

“Tín chỉ” là đơn vị căn bản để đo khối lượng kiến thức và đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở;45 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp. 

Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. 

Bên cạnh khái niệm Tín chỉ, còn có khái niệm Học phần. 

Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích luỹ trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định. 

Có hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn.

a) Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy;

b) Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tuỳ ý để tích luỹ đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.

Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường. Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ. Một tiết học được tính bằng 50 phút.


 

Học theo học chế tín chỉ có lợi thế hơn so với học niên chế, do phương pháp này có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, thời gian học; lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, chú trọng hơn đến việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Sinh viên có thể chọn môn học phù hợp với bản thân, và đặc biệt có thể rút ngắn thời gian học để được cấp bằng khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định; do vậy họ có thể hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng tùy theo khả năng và nguồn lực (thời lực, tài lực, sức khỏe, v.v.) của mình.

Làm sao để học tín chỉ tốt?

Đối với các bạn tân sinh viên, bước vào môi trường mới, nhất là tiếp cận với phương pháp học tập hoàn toàn mới là khá khó khăn. Việc đăng ký, lựa chọn được môn học (tín chỉ) đối với các tân sinh viên hay thậm chí là đối với những sinh viên đã có kinh nghiệm không phải là dễ dàng. Ngay từ khi vào trường, sau khi được các thầy cô cố vấn học tập hướng dẫn, bạn có thể tự xác định mục tiêu xuyên suốt khóa học là “học thật tốt và nếu có thể thì tốt nghiệp trước thời hạn”.

Để hoàn thành mục tiêu đó, bạn có thể đặt các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, và linh hoạt điều chỉnh mục tiêu trong từng thời điểm để phù hợp với điều kiện kinh tế và sức khỏe. Sau đó, bạn xây dựng thời khóa biểu và thời gian biểu cụ thể cho mình và nghiêm túc thực hiện. Bạn chủ động hỏi kinh nghiệm của các anh chị khóa trên về phong cách giảng viên để tìm giảng viên phù hợp nhất với mình, các môn nên đăng ký ngay trước khi đăng ký môn học, về các môn nên học trong kỳ phù hợp với từng mục tiêu đề ra như đạt điểm cao hay ra trường sớm,…

Điều quan trọng nhất vẫn là hãy sẵn sàng học với một tâm lý thoải mái và một quyết tâm thật lớn để chinh phục đỉnh cao tri thức mới. Lập một kế hoạch học tập chi tiết và luôn chủ động trong phương pháp học tập: chủ động tìm kiếm kiến thức, tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức mới, từ đó, nếu bạn có câu hỏi hay thắc mắc nào thì bạn sẽ nêu ra tại buổi học để cùng lớp học thảo luận và cuối cùng, giảng viên có vai trò là người kết luận lại vấn đề. Do đó, để hiểu được kiến thức cũng như nắm bắt được những vấn đề trong mỗi môn học, mỗi tân sinh viên cần chủ động học và nghiên cứu giáo trình, tài liệu trước khi lên lớp.

Đừng quên chú trọng đến môn học Kỹ năng mềm và chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, để rèn mình tự tin hơn, năng động hơn và đạt được các kỹ năng làm việc như tư duy, lập kế hoạch, giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm,…Bạn sẽ thấy học tập theo phương thức đào tạo tín chỉ không hề khó, ngược lại đó là hình thức học tập cho phép bạn thể hiện được tối đa khả năng của bản thân để đạt kết quả học tập tốt nhất.

Từ năm học 2018, Trường Đại học Phú Xuân đổi mới toàn diện, căn bản cả trong nội dung chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo. Xác định rõ ràng việc xây dựng đầy đủ nền tảng phát triển của người học dựa trên ba nền tảng chính gồm thái độ, kỹ năng và kiến thức. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng một thái độ tích cực cho người học, một tư duy tích cực và chuyên nghiệp trong công việc và hình thành các kỹ năng quan trọng trong công việc và kỹ năng học tập suốt đời.

Nhất quán với triết lý đào tạo cơ bản, từ năm học 2018 – 2019, sinh viên Phú Xuân sẽ có cơ hội học tập trong môi trường đào tạo hiện đại – được thiết kế theo mô hình trường học – văn phòng làm việc. Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức lý thuyết đồng thời phát triển kỹ năng thực hành và làm việc thông qua các dự án học tập (learning projects). Các tân sinh viên sẽ được phát triển kỹ năng thực hành, phát huy năng lực và khả năng sáng tạo cũng như rèn luyện tác phong và thái độ chuyên nghiệp.

Có một kế hoạch học tập tốt và nắm vững các kỹ năng học tập, chắc chắn các bạn sẽ thành công khi ở giảng đường đại học lẫn công việc tương lai.