Ngày 17/9 vừa qua, đoàn các doanh nghiệp CNTT đã có dịp đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Phú Xuân. Được biết, các công ty tham gia chương trình lần này đều là những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam.

Tham gia chương trình, về phía đoàn doanh nghiêp, có ông Hán Văn Thắng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Deha Việt Nam, ông Phạm Mạnh Lân – Tổng Giám đốc công ty cổ phần NAL, ông Dương Trọng Tấn – Chủ tịch HĐQT Agilead Global, ông Nguyễn Thanh Yên Tùng  – Giám đốc Axon Active Vietnam Đà Nẵng, ông Vương Quang Hùng – Giám đốc Rikkeisoft Đà Nẵng, ông Vũ Bá Tâm – Phụ trách ITSOL Đà Nẵng. Đón tiếp đoàn, về phía Trường Đại học Phú Xuân có TS. Đàm Quang Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường.

Các doanh nghiệp tham gia lần này đều là những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam
Các doanh nghiệp tham gia lần này đều là những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp đã có dịp tham quan các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Phú Xuân. Phía doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng vào kế hoạch đổi mới và phát triển của nhà trường sẽ đạt được những thành công lớn trong giai đoạn mới. Đồng thời khẳng định sẽ cùng tham gia vào kế hoạch đào tạo để nâng cao chất lượng và đảm bảo đầu ra cho sinh viên CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong khuôn khổ kế hoạch làm việc, chiều 17/9, đại diện Trường Đại học Phú Xuân và các doanh nghiệp đã có buổi làm việc với ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông về dự án phát triển CNTT.

Doanh nghiệp tham quan các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Phú Xuân
Doanh nghiệp tham quan các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Phú Xuân

Theo đó, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều lợi thế khác biệt để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, lợi thế khác biệt này chưa được khai thác, phát huy một cách đúng mức để tạo nên lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế. Việc phát triển CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế là bước đi quan trọng để có sự thay đổi toàn diện. Để thay đổi một cách căn bản vấn đề này, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, trường học và cộng đồng các doanh nghiệp.

Buổi làm việc đã thu hoạch được nhiều nội dung thống nhất. Đây được xem là tiền đề quan trọng nhằm “mở cửa” cho sự phát triển của các doanh nghiệp CNTT tại khu vực miền Trung. Đồng thời mang đến cơ hội việc làm rộng mở cho nguồn nhân lực CNTT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.